Trong suốt 2 tháng điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, hồi sức cho cháu bé, nhưng đáp ứng điều trị của bệnh nhi không tốt.
Trước đó, ngày 10/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, trú huyện Thạch Thất), người này là nhân tình của mẹ cháu A. về hành vi giết người vì đã có hành vi nhiều lần xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng cháu Đ.N.A., trong đó có những lần có thể tước đoạt mạng sống của bé.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, sau khoảng thời gian hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện, cháu bé đã không qua khỏi sau khi bị những thương tích đặc biệt nghiêm trọng do hành vi của người đàn ông tàn ác gây ra.
Vì vậy, hình phạt cao nhất mà bị can Huyên có thể phải đối mặt là tù chung thân hoặc tử hình.
Cụ thể, đối với hành vi bạo hành cháu A. của Nguyễn Trung Huyên trong một khoảng thời gian kéo dài những lần trước bé nhập viện do ngộ độc thuốc trừ sâu, gãy tay, nuốt đinh, đau tai đều do Huyên gây ra.
Đỉnh điểm là hành vi đóng 10 chiếc đinh vào đầu cháu bé, vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân.
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giết người, cùng các tình tiết tăng nặng như: giết người dưới 16 tuổi, thực hiện tội phạm một cách man rợ, có tính chất côn đồ thì mức hình phạt cao nhất Nguyễn Trung Huyên có thể phải đối diện là tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Tiền cho biết thêm, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội mà mình gây ra, Huyên còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với cháu bé và gia đình cháu.
Căn cứ vào Điều 591 Bộ luật dân sự, các chi phí mà Huyên phải bồi thường cho gia đình nạn nhân do tính mạng cháu bé bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
Theo Luật sư, để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai thì điều quan trọng nhất cần có sự vào cuộc, chung tay góp sức của toàn xã hội.
Không thể để xảy ra tình trạng không ai chịu trách nhiệm ngăn chặn, lên án triệt để hành vi đó, để rồi đâu vẫn vào đó, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn cứ tăng lên một cách báo động.
Ngoài ra, để tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ trẻ em, cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát tình hình tại các địa phương để kịp thời phát hiện những vụ việc có dấu hiệu bạo hành trẻ em và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, cần xây dựng nền tảng giáo dục, yêu thương, chia sẻ và gắn bó của một gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, muốn bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình nói chung, cẩn có sự quan tâm một cách thường xuyên và sát sao của cha mẹ và những người thân trong gia đình đối với trẻ nhỏ.
Không để đến khi hành vi bạo hành của bố dượng, mẹ kế hay nhân tình của người mẹ hoặc bố nói riêng kéo dài, gây đau đớn và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Chung tay bảo vệ trẻ em, ngăn chặn và tố giác những hành vi tương tự để cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc giờ đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình mà là trách nhiệm của toàn thể xã hội”, Luật sư Tiền nhấn mạnh.