Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Sống chung với thi thể người chết trong vài năm để chờ xây mộ

Một tang lễ trên đảo Sumba, Indonesia tốn rất nhiều chi phí và có thể phải mất đến nhiều năm để người dân có đủ khả năng chi trả. Bởi vậy nên giờ đây từ căn bếp đến phòng khách đều được chưng dụng làm chỗ để người đã khuất tạm an nghỉ.

Sống chung cùng những chiếc quan tài

Căn nhà của ông Umba Mbora trong làng Lewa, thuộc phía đông Sumba bề ngoài trông giống như những căn nhà khác với mái lợp, tường gỗ và rất sơ sài. Nhưng trong căn nhà tưởng như bình thường ấy lại đang là nơi an nghỉ của người anh họ (qua đời năm 2010) và chị kế (qua đời năm 2008) ông Mbora. Một chiếc quan tài hiện đang được đặt trong một căn phòng nhỏ, tối, ngay cạnh bếp và chiếc còn lại nằm ở phòng khách.

Hai chiếc quan tài đều được bảo quản sạch sẽ, phủ kín bằng vải Sumbanese. Trong khi những người khác sẽ rất ghê sợ nếu như phải hàng ngày sống chung với những xác chết như vậy, nhưng Mbora và gia đình lại cảm thấy không có gì đáng quan ngại. Bà Rambu Herlina, vợ của Mbora, chia sẻ: “Tôi đã rất thân thiết với họ khi họ còn sống, bởi vậy nên giờ đây có những chiếc quan tài của họ trong nhà cũng không làm tôi thấy sợ”.

Ông Mbora cũng như bao người dân khác trong làng, sống chung cùng những chiếc quan tài của người thân trong suốt nhiều năm. Ảnh: Resty Woro Yuniar

“Tôi thấy họ chỉ như đang ngủ trong phòng thôi. Mỗi dịp Tết đến hay Giáng Sinh, khi dọn dẹp nhà cửa, tôi sẽ đặt vài điếu thuốc lá ở bên cạnh quan tài. Mỗi khi muốn vào phòng, tôi cũng nói với họ rằng để tôi vào quét dọn”.

“Vợ chồng tôi vẫn giao tiếp với họ như một cách thể hiện sự kính trọng dù không nhận được lời đáp. Chúng tôi rồi sẽ đoàn tụ với nhau ở thế giới bên kia. Kinh Thánh đã nói rằng những gì được kết nối với nhau thì sẽ không thể bị tách rời. Chúng tôi sẽ mãi là một gia đình, dù còn sống hay đã qua đời”.

Để có thể bảo quản tốt được những xác chết này, ông Mbora chia sẻ: “Điều cốt yếu là phải phủ lên bằng vải, trải lá thuốc lá và canxi bên dưới cơ thể. Nếu được như vậy thì họ có thể được bảo quản tốt trong nhiều năm”.

Tang lễ tốn kém và phức tạp

Đảo Sumba chỉ cách đảo Bali khoảng một tiếng di chuyển bằng máy bay. Hiện nay, vẫn có hơn 18.000 người tin vào tín ngưỡng tôn giáo Marapu, tôn thờ một vị thần vô danh có đôi mắt và tai to lớn. Người dân trên đảo Sumba tin rằng, vị thần ấy có thể nghe và thấy tất cả mọi việc. Những người thân đã qua đời sẽ kết nối người dân với vị thần.

Những phần mộ ở Kampung Ratenggaro, phía Tây Nam Sumba. Ảnh: Resty Woro Yuniar

Nghi thức tổ chức tang lễ theo tín ngưỡng tôn giáo này rất phức tạp, tốn kém, đặc biệt là cho những gia đình có nguồn gốc hoàng gia như Mbora. Tổ tiên của Mbora là vua cai trị Vương quốc Lewa Kambera (bao gồm Lewa và Prailiu, phía đông Sumba).

Trong nhiều thế kỷ, những vị vua cùng dòng dõi với Mbora đã phân tán ở nhiều nơi, sở hữu nhiều mẫu đất và gia súc. Họ thường có một vài người hầu, vợ hoặc người thân ở bên cạnh. Nhưng cuộc hôn nhân giữa anh em họ với nhau, ví dụ như Mbora và Herlina hiện nay vẫn phổ biến ở Sumba.

Ông Mbora cho hay: “Hồi đó, nếu vua không thể có con với vợ mình, ông ấy có thể cưới nhiều người vợ khác. Không có luật lệ nào cấm đoán hay hạn chế điều này cả, bởi vua rất có quyền lực”.

Khi vua qua đời, họ được chôn cất cùng những trang sức bằng vàng, hoặc đôi khi là cùng với những người nô lệ còn sống, với ý rằng sẽ có người hầu hạ họ ở thế giới bên kia. Những tang lệ như vậy có thể kéo dài nhiều tháng trời. Gia đình sẽ phải có chỗ chứa đến hàng nghìn khách, phải phục vụ mỗi đoàn tùy tùng ít nhất vài con lợn béo.

Ngày nay, tuy rằng những người đầy tớ không còn được chôn cùng chủ nữa, nhưng nghi lễ thì vẫn còn được tuân theo. Nếu người cha qua đời, con gái sẽ phải chuẩn bị trâu, ngựa hoặc bò để cúng tại tang lễ của cha. Mỗi con vật có giá trị khoảng 30 triệu Rupiah (tương đương 2.200 USD). Bên cạnh đó, chi phí mua mỗi con lợn phục vụ khách tốn thêm 3,5 triệu Rupiah (khoảng 240 USD).

“Chúng tôi vẫn chưa có đủ tiền để xây một ngôi nhà tổ chức đám tang. Nếu mời 50 khách, mỗi khách sẽ đi cùng thêm một đoàn tùy tùng khoảng ít nhất là 50 người, và chúng tôi sẽ cần hàng trăm con lợn, con trâu để phục vụ”, ông Mbora nói.

Không chỉ vậy, để xây dựng ngôi mộ theo đúng chuẩn mực biểu tượng của Sumba cũng tốn rất nhiều thời gian. Tín ngưỡng Marapu yêu cầu rằng bia mộ phải được làm bằng một viên đá to, hình vuông; 4 viên đá nhỏ hơn dùng làm trụ cột, và tất cả phải được lấy từ cùng một mỏ đá. Kích thước có thể tùy ý, nhưng với gia đình như Mbora thì kích thước càng lớn càng tốt.

Để lấy được những viên đá từ mỏ đá phải cần đến sự hỗ trợ của khoảng 300 người đàn ông và ít nhất 4 buổi làm lễ để có thể triệu tập sức mạnh huyền diệu của tổ tiên, giúp đỡ những người đàn ông này hoàn thành nhiệm vụ. Tổng chi phí là khoảng 100 triệu Rupiah (khoảng 7.000 USD).

Những ngôi mộ ở Sumba được trang trí theo kiểu hình chóp - biểu tượng truyền thống hoàng gia. Ảnh: Resty Woro Yuniar

Ngày nay, đối với phần mộ của những người đã được cải tạo theo đạo Thiên Chúa, giờ đây là đức tin chủ yếu trên đảo, người dân có thể chọn xây dựng những ngôi mộ theo thiết kế truyền thống được làm từ xi măng và gạch, với hình ảnh trang trí của thánh giá, chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Những căn mộ này hay được đặt trước nhà, lau dọn thường xuyên và thường sẽ có thêm cửa để những người qua đời sau đó có thể được an nghỉ bên cạnh người thân.

Chính bởi những nghi lễ như vậy mà tín ngưỡng Marapu được mệnh danh là tôn giáo đắt đỏ nhất thế giới và cũng một phần giải thích tại sao Sumba là một trong những vùng nghèo nàn nhất Indonesia. Những gia đình trên đảo không chỉ phải cúng gia súc cho tang lễ mà còn cho cả đám cưới. Kể cả những gia đình nghèo nhất cũng cần phải tuân thủ, khiến họ chỉ còn đủ tiền để sống qua ngày bằng ngô, gạo và rau củ.

Anh Reverend Debora Wuri Wuryaningrum chuyển từ phía Đông Java đến Sumba năm 2004 chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi thấy người dân Sumba thậm chí không có tiền cho con đi học, nhưng lại vẫn phải cúng nhiều con ngựa, trâu và lợn trong những đám tang. Chi phí cho một ngày tang lễ của các gia đình hoàng gia có thể tương đương với 1 chiếc xe máy, thậm chí là một chiếc xe tải hay xe hơi mới tinh”.

Những nghi thức này tuy cũng được thực hiện tương tự ở Toraja, đảo Sulwaesi, nhưng nhìn chung thì không hề phổ biến tại quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi giáo nhất trên thế giới.

Anh Yusuf Djanggambolu, 44 tuổi đến thăm mộ của mẹ mình, được đặt trước nhà ông Umbo Mbora tại làng Lewa. Ảnh: Resty Woro Yuniar

Người dân rất cần sự hỗ trợ từ chính phủ

Sẽ rất khó để có thể thay đổi những giá trị truyền thống và tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ. đặc biệt là tại Sumba - nơi bắt nguồn của Marapu và các tôn giáo mạnh mẽ khác như Hồi Giáo hay Kitô giáo.

Nhà chức trách cho rằng, nhiều nghi lễ là quá thừa thãi và tốn kém, nhưng nếu chính phủ không triệt để hạn chế thì những cố gắng cắt giảm chi phí của người dân cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Cha Robert Ramone, người sáng lập Viện nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Sumba. Ảnh: Resty Woro Yuniar

Cha Robert Ramone, người sáng lập Viện nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Sumba, chia sẻ: “Tổ chức tang lễ tốn nhiều sức người và tiền của, ở Sumba thì là cả sự hi sinh của những con vật. Đó là truyền thống rồi và nếu gia đình nào không cúng trâu thì sẽ thấy rất xấu hổ với những người dân khác trong làng”.

“Nghi lễ tốn kém này còn khiến những hộ gia đình ở Sumba đã nghèo lại càng thêm nghèo. Chúng tôi đã cố gắng giảm bớt chi phí, nhưng chỉ riêng điều đó thôi thì chưa đủ, chúng tôi cần sự giúp đỡ từ chính phủ bằng việc ban hành những quy định cụ thể”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết SCMP

Được quan tâm

Tin mới nhất