Nguồn gốc
Theo nhiều tài liệu sử ghi chép, “Ly miêu hoán Thái tử” là vụ án có thật, xảy ra dưới thời hoàng đế Tống Chân Tông, vị Hoàng đế thứ ba của triều đại Bắc Tống.Tương truyền, khi ấy, Lưu phi được vua hết lòng sủng ái, một dạ muốn lập bà làm hậu. Tuy nhiên, quần thần trong triều cật lực phản đối do xuất thân của bà.
Trong khoảng thời gian này, Lưu phi vào chùa cầu an, gặp Lý thị. “Thuận mắt”, bà đưa Lý thị về làm thị nữ. Sau đêm nằm mộng Lý thị sẽ sinh được long thai kỳ tử, Chân Tông truyền Lý thị vào hầu. Quả nhiên, sau đó bà có thai và được phong làm Lý Thần phi. Đúng lúc này, Lưu phi cũng mang long thai.
Nhận được tin hỷ, Tống Chân Tông hân hoan tuyên bố, nếu ai sinh con trai, ông sẽ lập người đó làm hậu.
Âm mưu tàn độc chốn hậu cung
Sau chỉ ngôn của Tống Chân Tông, Lưu phi và thái giám Quách Hòe nảy sinh một âm mưu tàn độc. Họ tính toán kỹ lưỡng, nếu Lý Thần phi hạ sinh Hoàng tử, sẽ tìm cách tráo đổi, sau đó, đuổi bà ra khỏi cung.
Quả nhiên, không lâu sau, Lưu phi sinh ra một Công chúa, tuy nhiên, không may chết yểu. Trong khi đó, Lý Thần phi lại hạ sinh một Hoàng tử. Theo đúng kế hoạch đã định, Lưu phi sai người tráo con của Lý Thần phi bằng một con ly miêu, đồng thời loan tin Lý thị hạ sinh yêu nghiệt.
Một thời gian sau, Lý thị bị đuổi khỏi cung và lưu lạc chốn dân gian. Bà phải một mình nếm trải nhiều khổ nạn, đến mức mắt cũng không còn nhìn rõ.
Năm 1022, sau khi Tống Chân Tông băng hà, Thái tử Triệu Trinh - con ruột của Lý Thần phi năm nào - lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Tống Nhân Tông. Lưu Hoàng hậu được tôn làm Hoàng Thái hậu. Tuy nhiên, tới lúc này, ông vẫn không hề hay biết về người mẹ ruột đang khổ cực chốn dân gian.
Tình cờ thay, đến gần cuối đời, Lý thị may mắn gặp được Bao Chửng (Bao Thanh Thiên). Ông minh oan cho Lý Thần phi, tuân mệnh Tống Nhân Tông đón bà vào cung và tôn làm Hoàng Thái hậu. Lưu Thái hậu cũng vì thế tự sát.
Những lời đồn đoán
Cho tới nay, có một số ý kiến khẳng định thời kỳ Trung Quốc phong kiến không hề tồn tại vụ án “Ly miêu hoán Thái tử”. Trên thực tế, Tống Nhân Tông không phải là con ruột của Lưu Hoàng hậu, mà do cung nữ Lý thị hạ sinh, sau đó được bà nhận làm con nuôi.
Không một ai dám tiết lộ về người mẹ ruột của Tống Nhân Tông, duy chỉ có Lưu Thái hậu, bản tính nhân từ, sẵn sàng phong mẹ ruột của vua làm Thần phi. Thậm chí, tới khi qua đời, Lý phi cũng được an táng theo nghi thức dành cho Hoàng hậu.
Năm 1033, Lưu Thái hậu qua đời. Tới lúc này, Yên vương Triệu Nguyên Nhiễm tiết lộ thân thế thật sự của Lý Thần phi. Biết sự thật, Tống Nhân Tông chạy đến phần mộ của Thần phi khóc khóc lóc thảm thiết.
Sau này, Nhân Tông truy phong Lý Thần phi làm Chương Ý Hoàng Thái hậu. Tuy vậy, Nhân Tông không truy cứu bất kỳ điều gì về chuyện xảy ra năm xưa, do Lưu Thái hậu chưa từng bạc đãi Lý Thái hậu. Ông chỉ chú tâm an táng tử tế cho Lý thái hậu và Lưu thái hậu, hợp táng cùng Tống Chân Tông.
Các tác phẩm tái hiện truyền kỳ
Câu chuyện “Ly miêu hoán Thái tử” được lưu truyền sớm nhất qua tạp kịch “Kim thủy kiều trần lâm bão trang hạp”. Về sau nó còn được đưa vào cuốn tiểu thuyết “Tam hiệp ngũ nghĩa” nổi tiếng dưới triều đại nhà Thanh.