Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Kinh doanh

Thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng ra sao khi ngành bia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?

Ngày 25/11, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương tổ chức Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.

Theo dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt sửa đổi, mức thuế Tiêu thụ Đặc biệt với bia có thể tăng từ mức hiện tại là 65% lên 90% hoặc 100% vào năm 2030, tùy thuộc vào lộ trình được lựa chọn. 

Thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng ra sao khi ngành bia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt? Ảnh 1
Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.

Dự thảo đề xuất hai phương án từ Bộ Tài chính, trong đó Phương án 1 (PA1) tăng dần 5% mỗi năm từ năm 2026, và Phương án 2 (PA2) tăng mạnh hơn, với mức tăng 15% ngay từ năm 2026 và tiếp tục tăng 5% mỗi năm.

Phương án 3 (PA3) do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đề xuất, có lộ trình tăng thuế chậm hơn (từ năm 2027 và đạt 80% vào năm 2031) để phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp và để doanh nghiệp có khả năng trụ vững, thích ứng, qua đó giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành và đóng góp chung cho phát triển kinh tế xã hội..

Trình bày kết quả “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng số liệu chính thống, đáng tin cậy, trên cơ sở kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau. 

Thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng ra sao khi ngành bia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt? Ảnh 2
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê 

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Cả 3 phương án đều ảnh hưởng, làm suy giảm giá trị tăng thêm của ngành bia. Giả định, mức tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành bia tương đương với mức tăng trưởng GDP theo kịch bản 6,5%, với phương án 1, giá trị tăng thêm giảm 44.359 tỷ đồng, tương đương 9,4%; phương án 2 giảm 61.899 tỷ đồng, tương đương 13,12% và phương án 3 là giảm 38.329 tỷ đồng, tương đương 6,5%.

Đặc biệt, người lao động cũng chịu ảnh hưởng đáng kể khi tăng thuế Tiêu thụ Đặc biệt đối với bia. Cả 3 phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng Phương án 2 có thể làm giảm thu nhập lao động tới 4.585 tỷ đồng, trong khi Phương án giảm 2.468 tỷ đồng. Phương án 3 được xem là có mức giảm nhẹ hơn ở mức 2.215 tỷ đồng, được xem là phương án ít gây tổn thương đến người lao động.

Với các dữ liệu, kết quả và phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn Phương án 3 là lựa chọn phù hợp hơn bởi vẫn đảm bảo được tăng thu Ngân sách Nhà nước, nhưng gây tác động ít tiêu cực hơn tới ngành bia và 21 ngành trong nền kinh tế; do đó mức độ ảnh hưởng tới GDP và tăng trưởng GDP cũng thấp hơn. Điều quan trọng nữa đó là phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, duy trì mức độ bền vững về thu nhập của người lao động.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất