Hàng ngàn người biểu tình từ sáng sớm nay phong tỏa đường Lung Wo, con đường huyết mạch ở phía đông tây, gần văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong. Một số người đeo mặt nạ và đội mũ bảo hiểm, chặn các con đường chính dẫn vào các tòa nhà công quyền. Cảnh sát chống bạo động dùng bình xịt hơi cay vào người biểu tình để giải tán đám đông và nói nếu người dân quá khích, họ buộc phải sử dụng bạo lực.
Biểu tình nổ ra khi Hội đồng lập pháp hôm nay tổ chức tranh luận về dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong vài tiếng. Bất chấp làn sóng phản đối dữ dội, chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật này. Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng diễn ra vào ngày 20/6 dự kiến sẽ thông qua dự luật dẫn độ.
Tờ BBC mô tả cuộc biểu tình hôm nay giống cảnh tượng của “phong trào ô dù” đòi quyền dân chủ vào năm 2014, hàng ngàn người, chủ yếu là thanh niên và sinh viên đã xuống đường và chặn lối vào các tòa nhà công quyền trước khi cuộc tranh luận giữa các nhà lập pháp diễn ra.
“Hành vi này đã vượt ra ngoài phạm vi tụ tập trong hòa bình”, lực lượng cảnh sát Hong Kong cho biết trong bài đăng trên Twitter hôm nay. “Chúng tôi kêu gọi (người biểu tình) rời đi càng sớm càng tốt, nếu không chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực theo cách phù hợp”.
Những thay đổi trong dự luật sẽ cho phép Hong Kong xem xét yêu cầu dẫn độ từ chính quyền đại lục, Đài Loan và Ma Cao đối với các đối tượng bị cáo buộc phạm tội ác như giết người và h.iếp dâm. Các yêu cầu sau đó sẽ được quyết định có dẫn độ hay không tùy từng trường hợp. Đặc khu Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ đối với đại lục, Đài Loan hay Ma Cao.
Hong Kong đã ký các thỏa thuận dẫn độ với 20 quốc gia, bao gồm Anh và Mỹ, nhưng không có thỏa thuận nào như vậy đạt được với Trung Quốc đại lục mặc dù các cuộc đàm phán về vấn đề này diễn ra trong hai thập kỷ qua.
Tòa án Hong Kong sẽ là nơi ra quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ các nghi phạm hay không, và những nghi phạm bị cáo buộc về tội chính trị và tôn giáo sẽ không bị dẫn độ.
Những người chỉ trích cho rằng nếu được thông qua, luật dẫn độ sửa đổi sẽ khiến tội phạm sẽ bị giam giữ tùy tiện, xét xử không công bằng và tra tấn theo hệ thống tòa án của Trung Quốc đại lục.
Chính quyền trấn an công chúng bằng việc hứa sẽ có ràng buộc về mặt pháp lý cũng như có các biện pháp bảo vệ nhân quyền… để giảm bớt lo ngại. Tuy nhiên, điều này không khiến dư luận đồng tình, kéo theo các cuộc biểu tình với quy mô được cho là lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi nơi đây được Anh trao trả lại cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997.
Cảnh sát cho biết họ cũng đang điều tra những lời dọa giết đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các thành viên bộ tư pháp xung quanh dự luật gây tranh cãi này.
Hình ảnh hàng ngàn người Hong Kong biểu tình sáng 12/6:
Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ vây kín lối vào Hội đồng lập pháp Hong Kong sáng 12/6. Nguồn: Daily Mail