Hiếu Huệ Trương Hoàng hậu (202 TCN - 163 TCN), hay còn gọi Bắc Cung Trương Hoàng hậu, tên thật là Trương Yên. Bà là hoàng hậu duy nhất của Hán Huệ Đế Lưu Doanh, vị hoàng đế thứ hai của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Trương Yên vốn là con gái của Trương Ngao và Lỗ Nguyên Công chúa, tức là cháu ngoại của Hán Cao Tổ và Lã Trĩ - phụ mẫu của Lưu Doanh. Xét về quan hệ huyết thống, Trương Yên chính là cháu gọi Hán Huệ Đế là cậu ruột.
Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ băng hà, Hán Huệ Đế Lưu Doanh lên nối ngôi năm 16 tuổi. Tuy nhiên, Lưu Doanh chẳng khác gì một ông vua bù nhìn bởi mọi quyền thế và việc điều hành triều đình đều nằm trong tay mẫu thân của ông là Thái hậu Lã Trĩ. Để củng cố thêm địa vị, Lã Thái hậu xếp đặt để Trương Yên làm hoàng hậu. Năm 192 TCN, khi Trương Yên mới 10 tuổi, bà trở thành hoàng hậu của Lưu Doanh, bất chấp sự phản đối của Lưu Doanh và phụ mẫu của Trương Yên.
Sau khi cuộc hôn nhân diễn ra, Huệ đế Lưu Doanh luôn tỏ ra bất mãn với Lã Thái hậu. Mọi chuyện trở nên gay gắt hơn khi ông biết chính mẫu thân của mình là người dùng thủ đoạn tàn bạo, biến Thích phu nhân, tình địch của bà năm xưa, thành “người lợn”. Kể từ đó, ông bỏ bê triều chính, ngày đêm chìm đắm trong tửu sắc.
Khi Trương Yên bước sang tuổi 14, bà trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Tới lúc này, Lã Thái Hậu mới bắt đầu để ý tới cuộc hôn nhân của Hán Huệ đế Lưu Doanh. Bà phái người giám sát cặp phu thê, ép họ phải ngủ chung với nhau để hoàng hậu sớm có long thai. Tuy nhiên, Hán Huệ đế Lưu Doanh nhất quyết không chịu làm theo ý bà, kể cả khi Lã Thái hậu tuyên bố sẽ giết hết những phi tần của ông, Lưu Doanh cũng không màng tới Trương Hoàng hậu.
Trương Hoàng hậu đành lặng lẽ, cô đơn, ôm nỗi tủi nhục, nhìn phu quân của mình vui vẻ bên những người phụ nữ khác.
Không bao lâu sau, một phi tần của Hán Huệ Đế mang thai. Tuy nhiên, Lã Thái hậu lại cho người truyền tin người có long thai là Trương Hoàng hậu. Khi đứa trẻ được chào đời, Lã Thái hậu đặt tên hoàng tử mới sinh là Lưu Cung, sai người đem đến nơi ở của Trương Hoàng hậu, giả là hoàng hậu vừa sinh được con trai, còn mẹ thật của Lưu Cung bị giết để diệt khẩu.
Năm 188 TCN, Hán Huệ Đế do sức khỏe suy yếu trầm trọng, ông qua đời khi mới 22 tuổi, Thái tử Lưu Cung kế vị. Trương Hoàng hậu tuy trẻ tuổi nhưng nghiễm nhiên trở thành Thái hậu, còn Lã Trĩ lên ngôi thái hoàng thái hậu.
Thiếu Đế lớn lên, nghe nói mẹ ruột của ông bị Lã Thái hoàng thái hậu giết, còn ông không phải là con của Trương Thái hậu, bèn nói ra miệng ý định trả thù. Biết tin, Lã Thái hoàng thái hậu lập tức giết Thiếu Đế, lập một người con khác của Huệ đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa lên ngôi, tiếp tục khống chế triều đình.
Năm 180 TCN, Lã Thái hậu qua đời. Các đại thần Trần Bình, Chu Bột làm chính biến lật đổ họ Lữ, khôi phục lại Hoàng vị cho họ Lưu, lập con thứ của Cao Tổ Hoàng đế Lưu Bang là Đại vương Lưu Hằng, tức Hán Văn Đế.
Trương Thái hậu là chị dâu của Hán Văn Đế, nên lúc này không còn là Thái hậu nữa, mà trở lại làm Trương Hoàng hậu, dời sang Bắc cung, bị đổi hiệu thành Hiếu Huệ Hoàng hậu, tiếp tục cuộc sống cô đơn. Tháng 3/163 TCN, Trương Hoàng hậu lặng lẽ qua đời khi mới 36 tuổi.
Tương truyền, khi tắm rửa, thay quần áo cho Trương Hoàng hậu, các cung nữ mới phát hiện ra bà vẫn còn là một trinh nữ. Thông tin lan truyền, tất cả người dân đều thương xót cho số phận bất hạnh của bà. Tại nhiều địa phương, nhân dân lập miếu thờ tôn vinh vị hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ, đến cuối đời vẫn còn trinh nguyên.