Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ, sau đó nhanh chóng lây lan cho hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Các nhà khoa học cho biết chúng có khả năng lây lan cao ít nhất là gấp đôi so với chủng virus đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Ngay cả những tiếp xúc thoáng qua cũng có thể lây truyền bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân mắc biến chủng cũsống cùng gia đình và có tiếp xúc với các thành viên, tỷ lệ lây lan là khoảng 25%. Thế nhưng, nếu là Delta, con số này có thể tăng vọt đến gần 100%. Biến chủng này đang càn quét toàn thế giới với khả năng lây lan khủng khiếp của nó.
Tốc độ lây nhiễm vượt tầm kiểm soát đã khiến số bệnh nhân mới tăng vọt trên phạm vi toàn cầu. Ở nhiều nước đang phát triển, hệ thống y tế đã rơi vào tình trạng quá tải. Từ Ấn Độ, làn sóng Delta nuốt chửng nhiều quốc gia láng giềng ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, đơn cử như Indonesia , Malaysia và Thái Lan.
Số liệu của WHO cho thấy số ca mắc ở Đông Nam Á đã tăng 16% trong tuần qua, trong khi tỷ lệ tử vong là 26%. Trên toàn cầu, số người tử vong vì đại dịch được ghi nhận là 4.102.393 (tính đến ngày 18/7). Trong khi đó, The Economist ước tính con số thực tế phải vượt mốc 10 triệu.
Tuy nhiên, loài người vẫn còn hy vọng. Biến chủng Delta lây lan nhanh, nhưng chúng ta vẫn có thể chống lại nó nhờ các biện pháp đã được dùng để đối phó chủng virus cũ. Vaccine cũng góp phần ngăn chặn bệnh dịch, với tỷ lệ giảm nguy cơ nhập viện của Pfizer là 96% và AstraZeneca là 92%.
Điều này có nghĩa là biến thể Delta không làm thay đổi chiến lược cơ bản của thế giới. Đó là chúng ta phải ngăn chặn virus đến khi vaccine được tiêm cho dân số khắp thế giới.
Con đường thoát khỏi đại dịch vẫn có thể đi tiếp, miễn là chúng ta tiêm phòng đầy đủ và có ý thức chung tay chống dịch, bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng.
Xem thêm: Triệu chứng mắc biến thể Delta khác gì so với những dấu hiệu nhiễm chủng Covid-19 ban đầu?