Chỉ mới cách đây vài năm, cầm trên tay tấm bằng cử nhân đại học còn là một niềm vinh dự to lớn không chỉ với bản thân mỗi sinh viên mà còn với cả gia đình, người thân của họ. Thế mà nào có ai ngờ được rằng giờ đây không ít các tân cử nhân chỉ được thuê để làm những vị trí vốn dĩ chỉ dành cho những người tốt nghiệp phổ thông trước đó.
Theo khảo sát mới nhất từ CareerBuilder, gần 1/3 (tương đương 32%) các nhà tuyển dụng đang nâng cao yêu cầu học vấn đối với các ứng viên tiềm năng. 27% trong số đó tuyển dụng những người có bằng thạc sĩ cho các vị trí yêu cầu trình độ đại học và 37% thuê các tân cử nhân cho những vị trí vốn chỉ cần người có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.
CareerBuilder cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với 2.300 nhà quản lý nhân sự và tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong khối doanh nghiệp tư nhân trên toàn nước Mỹ. Theo đó, khoảng một nửa trong số họ có khuynh hướng nâng cao yêu cầu về học vấn đối với tất cả các vị trí trong công ty.
Đến tấm bằng cử nhân đại học còn đến lúc bị “kỳ thị” như thế thì huống hồ gì tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. 60% doanh nghiệp khẳng định những công việc dành cho tầng lớp lao động phổ thông trước đây trong công ty họ giờ chỉ tuyển những người đã tốt nghiệp đại học.
Các nhà tuyển dụng cũng chia sẻ với Career Builder rằng học cao hơn giúp tăng cơ hội tìm kiếm việc làm (đối với người đang tìm việc) và thăng tiến nhanh chóng (đối với người đang đương nhiệm). 36% các công ty cho biết họ không có ý định đề bạt những người chưa có tấm bằng đại học trong tay lên một vị trí khác cao hơn.
Ngoài ra, một khảo sát gần đây của Pew Reasearch Study còn cho thấy lương của một người tốt nghiệp cấp 3 chỉ bằng 62% thu nhập của một sinh viên mới tốt nghiệp đại nghiệp. Trong khi năm 1979, con số này là 77%.
Nguyên nhân của sự thay đổi “phũ phàng” về yêu cầu học vấn trong tuyển dụng trên là bởi các nhà sử dụng lao động đã nhìn thấy được tác động tích cực của giáo dục trong công việc hàng ngày. Trình độ học vấn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố như thu nhập, kỹ năng giao tiếp, năng suất lao động, ý tưởng sáng tạo… Càng học cao hơn người lao động càng có khuynh hướng tư duy tốt hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn, có khả năng giữ khách hàng tốt hơn…
Chắc hẳn sẽ có rất nhiều cảm thấy có chút tủi thân, chạnh lòng sau khi đọc bài viết này. Sự thật bao giờ cũng mất lòng nhưng chúng ta buộc phải đối mặt với chúng. Đấy là dòng chảy tất yếu của cuộc sống!
Nếu là một người có ý chí cầu tiến, thay vì than vãn cho con đường học hành vắn số của mình hay “gato” với những đứa bạn thạc sĩ, tiến sĩ xung quanh, sao chúng ta không phấn đấu để trở thành họ? Chẳng phải “học, học nữa, học mãi” hay sao? Hãy bắt đầu từ hôm nay, vì một tương lai tươi sáng hơn!