Câu chuyện đạo nhái trong thời trang từ lâu đã chẳng còn là vấn đề mới mẻ, nhưng luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Thông thường, dù có thế nào mọi chuyện cũng sẽ dần “chìm xuồng” thành một cụm từ ” trùng ý tưởng”, những tranh luận dù dai dẳng đến mấy đều cứ đi vào ngõ cụt, phải chăng giờ đây, việc đạp nhái đã trở thành một việc “hợp pháp”? Ai lên tiếng tố thì tố, bảo cùng ý tưởng là xong?
Cách đây không lâu, những ồn ào giữa Thư Dung - Á Hậu 2 Miss Eco International 2018 cùng NTK Đức Vincie xoay quanh câu chuyện chiếc váy mà cô đã thuê để tham gia cuộc thi, hóa ra lại là một sản phẩm không khác mấy của một thương hiệu nước ngoài đã khiến dư luận “dậy sóng”.
Biết được điều này, người đẹp tỏ ra buồn bã và “xấu hổ” khi đại diện Việt Nam lại khoác lên mình một thiết kế nhái gần như 100%, cũng như lo lắng không biết bạn bè quốc tế có ai phát hiện và cười nhạo mình, cùng ngành thời trang Việt Nam hay không.
Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới cũng không thiếu những trường hợp dính vào câu chuyện “đạo, nhái” nhưng chỉ số ít trong đó có cách giải quyết xác đáng, nhận được sự đồng thuận của giới mộ điệu.
Roberts - một người mẹ đơn thân thường bán những món đồ tự thiết kế như áo phông, túi tote đã tố thương hiệu Old Navy vì sao chép dòng chữ typo “Raising the future” mà cô sáng tạo trước đó. Sau nhiều ngày bị lên án cùng những lời chỉ trích, Old Navy thông báo chỉ bỏ hình ảnh quảng cáo chiếc áo khỏi website mặc dù họ vẫn bày bán ở cửa hàng, cùng tuyên bố sẽ không sản xuất chiếc áo này nữa.
Tuy vậy, không phải câu chuyện nào cũng dẫn đến kết thúc “có hậu” như của Roberts. Nhiều thương hiệu lớn, sau khi bị tố vì những “phiên bản thiết kế anh, em” đều chỉ nhanh chóng đưa ra câu trả lời không thoải đáng: rằng đó chỉ là vấn đề “đụng hàng ý tưởng”, và “đụng” gần 100%.
Chuyện đạo nhái chắc sẽ chẳng bao giờ kết thúc và cụm từ “trùng ý tưởng” ắt hẳn tiếp tục là câu trả lời cho mọi trường hợp. Nhưng hiện tại mỗi NTK đơn lẻ hay các thương hiệu đều nên có ý thức trước khi ra mắt mỗi sản phẩm của mình, bởi với sự phát triển của công nghệ hiện nay, giới mộ điệu rất dễ nhận biết nếu đấy là một sản phẩm “đạo, nhái”.
Mạng xã hội giúp con người có tiếng nói hơn, một thương hiệu chắc chắn chẳng thể bỏ qua hàng nghìn bình luận về việc sao chép nếu họ vẫn muốn bảo vệ hình ảnh hay doanh thu của mình.