Vòng quanh Thế giới

Giải đáp những thói quen khó hiểu của người Nhật

Chia sẻ

Dưới đây là những câu hỏi do chính người Nhật tự lựa chọn và trả lời để giải đáp cho những thói quen khó hiểu của họ.

Có rất nhiều hành động của người Nhật gây khó hiểu cho những người không phải là cư dân nước họ. Trong một chương trình truyền hình, MC nổi tiếng của Nhật - Kitano Takeshi đã chọn lọc “20 câu hỏi tại sao” nổi bật rồi tự đưa ra đáp án cho những câu hỏi đó. Hãy cùng xem người Nhật phân tích các vấn đề như thế nào và chắc chắn trong số đó sẽ có không ít lý do khiến bạn phải ngạc nhiên.
 
Tại sao người Nhật thích “truổng cời” tắm suối nước nóng?
 
Vì có nhiều núi lửa nên ở Nhật Bản có khoảng 28 nghìn suối nước nóng (Onsen) , mỗi năm các Onsen ở Nhật đón tiếp khoảng 130 triệu lượt du khách cả trong và ngoài nước. Người nhật mê đi tắm nước nóng đến độ phần lớn những tour du lịch nội địa của người dân là đi… tắm suối. 
 
Sở thích tắm suối của người Nhật bắt nguồn từ khi Nhật vẫn còn là nước nông nghiệp, mùa nông nhàn của họ kéo dài suốt 6 tháng từ mua thu tới mùa xuân năm sau, vì thời tiết lạnh giá nên nông dân Nhật đi tìm những suối nước nóng để tắm rửa nghỉ ngơi và thói quen đi tắm suối được hình thành, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Nhật.
 
Có một điểm đặc biệt trong văn hóa tắm suối của người Nhật, đó là họ luôn “truổng cời” mặc dù tắm chung với rất nhiều người, mặc thứ gì đó trên người khi tắm suối là điều cấm kỵ. Điều này bắt nguồn từ thời kỳ Edo, các suối nước nóng được coi là “vùng đình chiến”, những quan chức và samurai luôn khỏa thân 100% để chứng minh với đối tác/đối thủ rằng mình không mang theo bất cứ vũ khí gì.
 
 
Tại sao người Nhật lại bị cận thị nhiều hơn hẳn các dân tộc khác?
 
Hiện ở Nhật có tới hơn 67 triệu người gặp các vấn đề về thị lực và phải đeo kính, trong đó đa phần là bị cận thị. Theo phân tích của một giáo sư thuộc trường Đại học Y khoa Tokyo, nguyên nhân của việc này chủ yếu là vì chữ Nhật quá phức tạp, không chỉ có những nét chữ Hán loằng ngoằng mà còn rất dễ bị nhầm lẫn, khiến cho người Nhật luôn phải căng mắt ra để nhìn từng nét, dẫn đến việc nhiều người gặp vấn đề về mắt, nhiều nhất là bị mắc bệnh cận thị.
 
 
Tại sao người Nhật lại thích báo lá cải?
 
Một học giả người Nhật cho biết, người dân ở các quốc gia khác cũng rất thích “tám” chuyện, thế nhưng tạp chí lá cải và tạp chí chính thống được phân chia rất rõ ràng. Còn ở Nhật, ngay cả truyền hình quốc gia cũng chẳng ngại đăng tin tức lá cải vô hại mua vui cho mọi người. Vì họ cho rằng, bên cạnh việc đưa tin, thì truyền hình và báo chí phải giúp độc giả thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
 
 
Tại sao người Nhật cực kỳ đúng giờ?
 
Việc này có liên quan rất nhiều tới lịch trình vận hành của các chuyến tàu điện ngầm ở Nhật. Ngành đường sắt Nhật Bản làm việc chuẩn đến mức lấy đơn vị “giây” ra để tính thời gian tàu đến hoặc đi muộn. 
 
Vào thời kỳ Minh Trị (hay còn được biết đến với tên gọi “Thời kỳ Meiji” (1868-1912), là thời kỳ 45 năm dưới triều Thiên hoàng Minh Trị. Trong thời kỳ này, Nhật Bản bắt đầu công cuộc hiện đại hóa và vươn đến vị thế cường quốc trên thế giới), ngành đường sắt ở Nhật chưa phát triển như bây giờ, lúc đó, việc chậm chuyến 20-30 phút là chuyện bình thường. Ngành đường sắt Nhật Bản có những bước tiến vượt bậc về khái niệm thời gian kể từ Thế Chiến thứ I, khi mà lượng người có nhu cầu sử dụng tàu điện tăng đột biến, thời gian tàu dừng cũng phải rút ngắn hết sức có thể để kịp giờ cho chuyến tàu sau cập bến.
 
 
 
Tại sao người Nhật không nói câu “Anh/em yêu em/anh”?
Những người thích xem phim Nhật có lẽ đều nhận ra một điều: nam chính trong phim rất hiếm khi nói “anh yêu em”, cùng lắm họ chỉ nói “anh thích em” mà thôi. Nguyên nhân của việc này là bởi vì trong quan niệm của người Nhật, chữ “yêu” là một chữ được du nhập từ nước ngoài vào (từ thời Minh Trị), họ cho rằng “yêu” và “lưu luyến” hoàn toàn không giống nhau. Trong mắt đa số người Nhật, nghĩa của từ “yêu” quá rộng, còn tình cảm nam nữ lại thiên về “lưu luyến” nhiều hơn.
 
Tại sao người Nhật rất thích xếp hàng?
 
Người Nhật cực kỳ thích xếp hàng theo thứ tự, kể cả trong những trường hợp không cần thiết phải xếp hàng. Lấy một ví dụ điển hình, khi người Nhật đến rạp xem phim, cho dù số ghế đã được ghi rõ ràng trên vé của họ rồi, căn bản không cần phải xếp hàng đi vào chỗ ngồi, thế nhưng người Nhật vẫn đi vào chỗ theo hàng lối rất ngay ngắn. Một nhà tâm lý người Nhật phát biểu, nguyên nhân khiến người Nhật “cuồng” xếp hàng là bởi vì có một căn bệnh tâm lý mang tên “thích ứng dư thừa” đã ăn sâu vào máu của họ, vì vậy, ngay cả khi không cần thiết, họ vẫn làm những hành động mà bản thân đã cảm thấy quá quen thuộc.
 
Bên cạnh đó, nếu một người Nhật đến rạp chiếu phim khi các chỗ ngồi bên cạnh mình đều đã có người (dù chưa đến giờ công chiếu), họ sẽ cảm thấy rất xấu hổ vì trót làm “ảnh hưởng tới người khác”, thế nên họ thường có tâm lý đến sớm xếp hàng để tránh bị rơi vào trường hợp ngại ngùng kia.
 
 
 
Tại sao người Nhật lại thích đọc truyện tranh?
 
Từ trước khi cụm từ “manga” trở nên phổ biến trên toàn thế giới, truyện tranh Nhật Bản bắt đầu xuất hiện từ cuối thể kỷ 18. Đến ngày hôm nay, tất cả mọi lứa tuổi ở Nhật đều đọc manga, từ cậu bé 5 tuổi đến ông già 70 tuổi. Vì sống trong một xã hội quá quy tắc và an toàn, nên người Nhật thả hồn vào truyện tranh để được chứng kiến một nước Nhật “nguy hiểm, bạo lực”, “lãng mạn” và thú vị hơn hẳn cuộc sống thực của chính mình.
Trước đây, Manga chỉ là những câu chuyện kể bằng tranh vẽ thô sơ và không mang tính nghệ thuật cao, nhưng sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, “Manga-ka” huyền thoại Osamu Tezuka đã áp dụng phong cách thiết kế của Disney và kỹ thuật dàn dựng điện ảnh Pháp để tạo nên những bộ manga đích thực đầu tiên, đặt nền móng cho ngành công nghiệp manga tỷ đô hiện nay.
 
 
Tại sao người Nhật lại thích thêm chức danh khi gọi tên?
 
Nếu làm việc trong một công ty của Nhật, bạn không thể không nhớ thêm chức danh của cấp trên mỗi khi nói chuyện hoặc chào hỏi, bởi vì những người có chức có quyền ở Nhật rất thích được gọi như vậy. Nhưng nguyên nhân là vì sao?
Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, hơn 97% người Nhật đều có gen di truyền “căn bệnh bất an”, mà những người này lại rất dễ mất tự tin ở bản thân và chịu rất nhiều sự tác động của môi trường xung quanh, vì vậy, khi được gọi tên kèm theo chức danh, tự nhiên họ sẽ cảm thấy có cảm giác an toàn và tự tin hơn hẳn việc chỉ gọi mỗi họ tên không.
 
 
 
Đôi khi, ngay chính người Nhật cũng không thể lý giải nổi những thói quen đã ăn sâu bám rễ trong tâm trí họ. Chắc chắn vẫn còn hàng ngàn hàng vạn những câu hỏi “tại sao” mà người dân trên khắp thế giới muốn dành cho người Nhật và đang chờ chúng ta cùng tiếp tục khám phá.
Chia sẻ
Tin mới nhất