Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Shark Tank Việt Nam: Hai nhà sáng lập game 'cãi tay đôi' với Shark, từ chối nhận đầu tư để phát triển theo ý mình gây xôn xao

Tập 2 của Shark Tank vừa lên sóng đã gây được sự chú ý về ý tưởng đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi, nhưng Sử Hộ Vương lại khiến các Shark phản ứng gay gắt về việc tạo hình nhân vật lịch sử không thuần Việt mà có hình thức giống như những nhân vật của Nhật Bản hay Trung Quốc.

Trong tập 2 của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 3, Game Sử Hộ Vương là sản phẩm mà hai bạn trẻ Hồ Phương Thảo và Phạm Vĩnh Lộc mang đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi vốn đầu tư. Sản phẩm mang các nhân vật lịch sử Việt Nam vào trò chơi thẻ giấy. Hai bạn trẻ startup kêu gọi 1 tỷ cho 10% cổ phần.

Theo giới thiệu thì “Sử Hộ Vương là một dự án trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam - với cốt truyện được truyền cảm hứng từ những thần tích, truyền thuyết, những giai thoại hào hùng xuyên suốt dòng lịch sử hơn 4000 năm được kể lại dưới góc nhìn hiện đại, mang hơi thở tân tiến trẻ trung của thời đại mới”.

Phương Thảo và Vĩnh Lộc cũng cho biết trong vòng 2 tháng kêu gọi quỹ cộng đồng Sử Hộ Vương đã kêu gọi được hơn 300 triệu. Là dự án đạt kỉ lục về số lượng người đóng góp cao nhất trên nền tảng hỗ trợ họa sĩ truyện tranh Việt Nam Comicola. Chỉ trong 10 ngày, Game Sử Hộ Vương đã bán được 6.000 bộ, đạt doanh thu 800 triệu đồng.


Trước khi đến với chương trình Shark Tank Việt Nam, trò chơi Sử Hộ Vương đã gây xôn xao về ý tưởng táo bạo khi đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi, và thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Tuy vậy tạo hình của các nhân vật lịch sử không có nét thuần Việt mà hình thức giống như những nhân vật của Nhật Bản hay Trung Quốc lại khiến các Shark phản ứng gay gắt.

Tạo hình của nhiều nhân vật trong lịch sử được vẽ với tóc tai, trang phục, hình dáng… rất giống nhân vật trong những bộ truyện tranh hiện đại khiến nhiều người cảm thấy xa lạ.

Tuy rằng, hướng đi của game không phải bám sát toàn bộ lịch sử mà có sự phá cách với phong cách nửa cổ điển nửa hiện đại, nhưng việc làm game lịch sử rất cần có sự cẩn trọng để nhân vật tuy được sáng tạo nhưng vẫn không được vượt ra ngoài ranh giới “thuần phong mỹ tục”, vì đây không chỉ là các nhân vật trò chơi thông thường mà là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.

Nếu không có tên bên dưới thì không ai nhận ra đây là những nhân vật lịch sử mà cứ ngỡ lạc vào một bộ truyện tranh Nhật Bản nào đó.  

Sau khi chơi thử với hình ảnh giao diện của các nhân vật trong trò chơi, điều gây tranh cãi giữa các Shark chính là tạo hình của nhân vật. Shark Liên chia sẻ: “Những nhân vật lịch sử mà các bạn đang vẽ không giống với nhân vật thật. Như Nguyễn Huệ chẳng hạn, tôi cảm thấy như là truyện tranh gì đó của Nhật Bản”.

Trái ngược với ý kiến của Shark Liên, Shark Việt lại ủng hộ với ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ, cho rằng đây là trò chơi dành cho giới trẻ, hãy nhấp nhận những tiến bộ. Hãy để thị trường quyết định sự tồn tại của trò chơi này. Shark Việt cũng phản biện ý của Shark Liên khi minh họa nhân vật lịch sử Việt Nam thì phải có đặc trưng của người Việt, như tóc đen, mũi tẹt, da vàng: “Shark Liên hãy cấm thanh niên bây giờ không được nhuộm tóc đi”.

Trong khi đó, Shark Hưng lại đồng ý với quan điểm của Shark Liên: “Thanh niên bây giờ có thể nhuộm tóc đen thành vàng nhưng không thể nhuộm cho Nguyễn Huệ được”.

Thái độ của Phương Thảo khi phản biện các Shark cũng gây tranh cãi.

Khi tranh luận với các shark, cách Phương Thảo đưa ra quan điểm của mình gây mất điểm trầm trọng, thậm chí Phương Thảo còn lên giọng khi hỏi ngược lại dàn shark: “Có anh chị nào đã từng nhìn thấy Nguyễn Huệ thật sự không ạ? Hay là mình chỉ nhìn thấy được qua những bức tượng do cha ông ta khắc nên thôi?”
 
Trước thái độ của Phương Thảo, Cả Shark Liên và Shark Hưng đều phải dùng những từ ngữ khá mạnh. “Chính vì chưa nhìn thấy cho nên rất cần một người khắc họa nhân vật lịch sử để làm sao khi nghĩ về nhân vật đó có sự tôn trọng, tôn vinh lịch sử nước ta chứ không phải kiểu “bum bum chạt chạt” như thế này. Chúng ta không nhìn thấy Nguyễn Du nhưng cũng không thể lai căng được”.

Shark Hưng cho rằng game này sẽ không có chỗ đứng và không đồng ý đầu tư.

Shark Liên cho rằng đã lấy nhân vật lịch sử thì phải tôn trọng lịch sử: “Các bạn mới chỉ đưa tên và lại áp lên hình ảnh lai căng như vậy thì hoàn toàn không ổn về mặt văn hóa. Mình phải tự hào mình là người Việt cái đã sau đó kinh doanh chúng ta tính sau”.

Shark Hưng cũng ngay lập tức đưa lời nhận xét gay gắt: “Nếu các bạn mượn lịch sử để kinh doanh thì không được xúc phạm phỉ báng nhân vật. Tôi không thích thần tượng của tôi bị bóp méo không liên quan đến hình tượng tôn thờ. Đặt cương vị là một người bố, tôi sẽ không mua thẻ game này cho con tôi”. Shark Hưng cho rằng việc mang các nhân vật lịch sử ra đấu đá nhau trong trò chơi có thể gây hệ quả ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Shark Hưng kết luận: “Game này không có chỗ đứng, theo quan điểm của tôi”.

Là cố vấn lịch sử của trò chơi này, tuy nhiên Vĩnh Lộc thừa nhận chỉ từng đọc nhiều sách về mặt lịch sử chứ không cung cấp được bằng cấp chuyên ngành. Trước đó Vĩnh Lộc cũng chia sẻ rằng: Sử Hộ Vương được lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Việt Nam. Sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu từ 15 - 24 tuổi, nhằm giúp cho các bạn trẻ biết nhiều hơn đến lịch sử Việt Nam.Tuy nhiên chính điều này lại khiến các Shark quan ngại sản phẩm sẽ bị sai lệch về mặt kiến thức lịch sử cho ngừoi chơi.

Liên tục phản biện lại “dàn cá mập” nhưng khi hỏi đến việc học lịch sử thì Thảo lại chỉ đạt có 5 điểm khi tốt nghiệp lớp 12. 

Sau khi tất cả Shark nêu ra quan điểm và quyết định không đầu tư cho sản phẩm này, đến phút cuối Shark Liên bất ngờ đề nghị sẵn sàng đầu tư 1 tỷ đồng (10% cổ phần) với điều kiện: “Kinh doanh nhưng chúng ta đừng quên đi giá trị về lịch sử, về văn hóa. Mục đích của tôi vào với các bạn không phải để chia lợi nhuận. Mục đích của tôi là muốn giữ giá trị nguyên gốc về văn hóa, lịch sử của người Việt.
 
Các bạn được tự do phản biện nhưng khi số đông đồng ý với ý kiến của tôi thì các bạn phải làm theo. Xuất thân của tôi là một nhà giáo, lại dạy về văn nên vì thế tôi không muốn bị méo mó đi những nhân vật lịch sử đã ghi nhận. Tôi sẽ hỗ trợ các bạn xin được giấy phép một cách nhanh nhất theo đúng luật”.

Tuy nhiên Phương Thảo và Vĩnh Lộc cho rằng nếu Shark Đỗ Liên thay đổi hết những gì từng xây dựng thì sẽ đi ngược lại với giá trị cốt lõi mà Sử Hộ Vương đang xây dựng. Hai bạn quyết định không nhận đầu tư để tiếp tục dự án theo mong muốn của mình.

Không chỉ các Shark mà có rất nhiều khán giả sau khi xem chương trình đều không hài lòng với tạo hình của các nhân vật trong trò chơi. Rất nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng dù chỉ là lấy ý tưởng nhưng việc sử dụng các nhân vật lịch sử trong các loại hình kinh doanh cần phải được tìm hiểu kĩ và nghiên cứu rõ ràng để tránh trường hợp phản cảm như thế này.

“Vẽ gì thì vẽ nhưng không cần thiết phải mượn phong cách của nước khác để nói lên lịch sử- văn hóa của nước mình”.

“Các Shark nhận xét vậy là đúng rồi, nếu là nhân vật hư cấu thì vẽ sao cũng được, nhưng nếu vẽ nhân vật lịch sử thì cũng phải có nét với văn hóa Việt Nam. Nhìn hình nhân vật này ăn theo Trung và Nhật quá”.

“Ý tưởng thì cũng được đấy, nhưng tạo hình lố quá chứ chưa nói đến nhiều nhân vật nhìn phản cảm. Thế này thì sẽ lệch lạc những hiểu biết của học sinh về các nhân vật lịch sử”.

“Chả cần biết là game hay gì, như Shark Liên nói đấy, đã lấy nhân vật lịch sử thì nên tôn trọng lịch sử. Tạo hình như này thì ai nghĩ là nhân vật lịch sử Việt Nam”. 

“Nếu không đọc trước thì 100% sẽ nghĩ là game nước ngoài, nhìn không có một nét nào của Việt Nam luôn trừ cái tên”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quỳnh Trang

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới