Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Chuyện tình đẫm nước mắt của chàng trai tàn tật Hoàng Anh Mến

Một lần bốc đồng, chàng thanh niên Hoàng Anh Mến ( huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) dính phải tai nạn giao thông kinh hoàng, liệt toàn thân. Nhiều người đã nghĩ Mến sẽ tàn phế, là gánh nặng cho gia đình. Nhưng sự tương tác của mạng xã hội đã cho anh nghị lực, tình yêu và một gia đình hạnh phúc.

Tai họa trước ngày hạnh phúc

Đón chúng tôi trong căn nhà cuối đồi ở thôn Trại Mới, Mến ngồi xe lăn, nhưng nụ cười rạng rỡ đến lạ thường. Em mở đầu câu chuyện: “Em được như ngày hôm nay là phúc đức lắm rồi. Đã có lúc em tự nghĩ mình chẳng bao giờ có thể cười nói, hay ngồi dậy được”. Ngược trở lại quá khứ 7 năm trước Mến kể: “Bữa đó, em cùng những người bạn đi liên hoan. Năm đó em 24 tuổi, chúng em uống rượu ở ngoài thị trấn Bố Hạ. Đến khoảng 22 giờ, em được người bạn cùng xóm chở về”.

Do uống rượu say, không làm chủ được tay lái, xe của Mến đã đâm phải một hòn đá ngang đường, bạn em chỉ xây xước nhẹ, còn em ngất lịm, lúc tỉnh dậy đã thấy mình ở Bệnh viện Việt Đức. Nhìn chân tay mình còn đủ cả, không bị gẫy hay xây xước gì, nhưng cứ nặng như bị buộc vào giường, Mến muốn cử động, ngồi dậy, nhưng cứ mềm oặt ra, không thể nhấc lên được, em tự động viên mình chắc chỉ vài hôm sẽ khỏi. Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ thông báo em bị mẻ đốt sống cổ số 4, sẽ bị tàn phế suốt đời, lúc đó Mến chẳng còn thiết sống nữa. Được bố mẹ, anh em và vợ sắp cưới hết lòng chăm sóc, sau 6 tháng kể từ ngày bị tai nạn, em có những phục hồi ban đầu, các ngón tay bắt đầu có cảm giác. Nhìn người yêu lo toan cho mình đến gầy mòn đi, Mến xót lắm. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Mến quyết định chia tay người vợ sắp cưới của mình. Mến chia sẻ: “Lúc đó em buồn lắm, nhưng em nghĩ mình tàn tật, không thể làm khổ cô ý mãi được. Sau nhiều lần em động viên, cuối cùng cô ý cũng đồng ý nhận lời yêu và lấy người khác”. Mọi thứ tưởng như đã đóng cửa với Mến khi sức khỏe mất, người yêu đi lấy chồng, tương lai mù mịt, nhưng Mến lại tìm được những ngã rẽ mới vô cùng may mắn.

Với sự giúp đỡ của vợ, Hoàng Mến đã có thể đứng dậy được.

Với sự giúp đỡ của vợ, Hoàng Mến đã có thể đứng dậy được.

Chia sẻ với cộng đồng

Bản thân tàn tật, Mến khép chặt cuộc sống của mình trong phòng kín, không còn muốn giao lưu, trò chuyện với ai. Ông Thế, bố của Mến nhớ lại: “Những ngày ấy nhìn con, vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột, bởi đã tìm mọi cách để níu giữ sự sống cho con, mà con sống như không muốn sống”.

May thay, từ nguồn thông tin cơ sở, Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh, Tỉnh đoàn, Tổ chức Handicap International (một tổ chức phi chính phủ luôn giúp đỡ người tàn tật)… đã tìm đến thăm hỏi, động viên và mời Mến tham gia dự án tuyên truyền pháp luật và trật tự giao thông.

Mến cùng vợ hạnh phúc trong ngày cưới.

Mến cùng vợ hạnh phúc trong ngày cưới.

Theo chị Hoàng Ngọc - cán bộ Tỉnh đoàn Bắc Giang, Mến cũng như hầu hết các nạn nhân TNGT khác luôn trong tâm trạng chán nản, khép kín, bi quan vì tương lai mù mịt, trở thành gánh nặng cho gia đình. Do đó, để đem lại niềm vui sống cho các nạn nhân TNGT, đồng thời đưa câu chuyện của nạn nhân TNGT thành bài học cảnh báo người tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh, Tỉnh đoàn Bắc Giang, Tổ chức Handicap International đã phối hợp triển khai dự án “Kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn”.

Mến tâm sự: “Đúng là thời điểm nói lời chia tay người bạn gái cũ, em chả thiết sống nữa. Khi được mời tham gia dự án ATGT 'Kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn', em nghĩ mình chả làm được gì vì em chưa từng diễn thuyết trước đám đông. Nhưng rồi đi dự vài buổi, em thấy mình cần phải làm gì đó, nói gì đó để đừng ai rơi vào hoàn cảnh như em. Em đã kể lại câu chuyện của chính em, rồi khuyên mọi người hãy tránh xa bia rượu trước khi tham gia giao thông, chấp hành đúng Luật Giao thông. Những buổi tuyên truyền ATGT đó, ngồi trên sân khấu nhìn xuống, em thấy nhiều người khóc lắm. Hết buổi tuyên truyền, nhiều người chạy đến động viên, rồi cảm ơn em”.

Theo lời Mến, cũng chính nhờ tham gia dự án ATGT, Mến thấy tự tin hơn, thấy sự có mặt trên đời của mình còn có ích. Mến vui vẻ trở lại, sẵn sàng đi dự đám hỏi, đám cưới trong làng, rồi em lập nick trên Facebook để kết thêm bạn bè Mến phát hiện ra trong cộng đồng có gần 10.000 người bị chấn thương đốt sống cổ như mình, và qua mạng xã hội đã đem tới cơ hội để em gặp được người bạn đời hiện tại và vừa có một đám cưới cổ tích đẫm nước mắt hạnh phúc và xúc động.

Tìm lại hạnh phúc

Người dân Đồng Hưu quê Mến cũng như người dân xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn quê của cô dâu Lục Thị Loan (SN 1996) vẫn nhớ như in đám cưới đặc biệt ấy, bởi cô dâu lúc đẩy xe lăn cho chú rể, lúc dìu chú rể đứng trên đôi nạng gỗ chụp ảnh, lúc tận tình đưa nước uống cho chồng. Điều đặc biệt là chú rể tàn tật, nhưng cô dâu hoàn toàn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, rất trẻ và xinh.

Mến bảo: “Đám cưới em, ai cũng khóc hết, phía nhà gái còn khóc bò lăn ra sàn. Người thì khóc vì thương cô dâu, người thì khóc vì xúc động, bố mẹ em thì khóc vì vui sướng, em và Loan thì khóc vì hạnh phúc. Bọn em đến với nhau phải vượt qua bao khó khăn. Có được đám cưới này, đến giờ em vẫn thấy như trong mơ”.

Phía nhà gái ngăn trở cũng phải, bởi Loan khỏe mạnh, trẻ trung, xinh đẹp, lại đang có công việc ổn định ở Nhà máy Microsoft (Bắc Ninh). Khi quen Mến qua Facebook, Loan được Mến gửi ngay ảnh ngồi trên xe lăn và kể tỉ mỉ về hoàn cảnh của mình. Thấy chàng trai thật thà, Loan đã sinh lòng cảm mến. Càng trò chuyện, Loan càng thấy Mến có nhiều điểm hợp mình, và tình yêu đã đến với họ từ những cuộc trò chuyện, tâm sự như thế.

Loan lạ lắm, những lần trò chuyện rồi sau khi ngỏ lời yêu qua mạng, cô ấy chẳng bao giờ hỏi về tàn tật của em. Ngày đầu Loan đòi về thăm, em mất mấy ngày không ngủ. Đến khi gặp Loan rồi, em rụt rè hỏi thấy mình tàn tật thế này, cô ấy có thất vọng mà rút lại lời yêu không?”. Loan chỉ bảo: “Tận mắt thấy anh tàn tật, em càng thương hơn” - Mến kể.

Thương Mến, cứ ngày nghỉ cuối tuần, Loan rẽ qua thăm người yêu rồi mới về nhà. Bố mẹ Loan biết chuyện, ngăn cấm quyết liệt, nhưng vẫn không thay đổi được tình yêu Loan dành cho Mến. Loan đưa Mến về trình diện bố mẹ xin cưới, bố mẹ Loan không chấp nhận. Kể cả khi bố mẹ Mến sang thưa chuyện, thuyết phục tới 4-5 lần, bố mẹ Loan vẫn quyết không đồng ý, nói nếu nhà trai tự tổ chức đám cưới bên đó sẽ cho người sang bắt con về.

Dù vậy Loan vẫn không thay đổi tình cảm, cô thưa với bố mẹ nếu không cho phép tổ chức đám cưới sẽ đưa người yêu xuống gần nơi làm việc, thuê trọ để sống cùng nhau. Tình yêu mãnh liệt của đôi trẻ đã làm lay động bậc làm cha mẹ, để rồi đám cưới cổ tích của Mến - Loan đã được tổ chức vào trung tuần tháng 12/2015.

Trìu mến nắm tay chồng, Loan bẽn lẽn cười khi nghe hỏi vì sao lại yêu và cưới một người tàn tật như Mến: “Em chỉ biết em yêu và muốn suốt đời chăm sóc cho anh ấy thôi”.

Giờ thì bố mẹ vợ Mến đã rất quý chàng rể, hàng tuần đều đèo nhau xuống nhà con rể chơi. Để hiện thực hóa những dự định của đôi vợ chồng trẻ đầy nghị lực, Loan đã thôi làm công nhân, giờ về nhà chồng làm nghề nông. Mến cho biết em đang nghiên cứu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, hiện em đang nuôi 10 cặp thỏ đầu tiên và nuôi bò nhốt tại nhà, nếu thuận lợi, cuộc sống của vợ chồng em cũng tạm ổn. Với một người có hoàn cảnh như em, có vợ đẹp, bố mẹ, anh chị em, làng xóm thương là hoàn hảo lắm rồi, còn nhiều vất vả nhưng chắc chắn vợ chồng em sẽ vượt qua.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Nàng hậu 9X chia sẻ về hành trình giữ dáng 'kỳ lạ' gây tò mò