Nỗi đau mang tên trọng tài trong nhiều năm liền
Vấn đề trọng tài không phải là chuyện mới của bóng đá Việt Nam nhưng nhiều năm qua thì mọi chuyện vẫn trong cái vòng tròn kiểu khép kín mà phần lớn không thể đụng đến, còn một số trọng tài sai phạm bị xử kiểu treo còi nhưng chẳng khác nào “thí chốt”. Những người có trách nhiệm vẫn tại vị và không chịu buông ghế một cách khó hiểu. Nói trắng ra, bóng đá Việt Nam đang bất lực trước chuyện dẹp những cái sai của Ban trọng tài.
Năm 2016, trọng tài Hà Anh Chiến mắc lỗi nghiêm trọng với một quả phạt đền tưởng tượng cho Thanh Hóa. Khi tình huống phạm lỗi cách vòng cấm đến vài mét nhưng ông Chiến ngang nhiên chỉ tay vào chấm phạt đền. Sau đó, ông Hà Anh Chiến bị treo còi để xoa dịu dư luận. Trong đó CĐV SLNA lên án cực kỳ khủng khiếp để tạo ra sức ép lớn đến mức VPF phải có văn bản xin lỗi.
Trọng tài Hà Anh Chiến nghỉ giống như “thí chốt” vì những người có trách nhiệm vẫn được vô can. Tức trọng tài sai bị xử còn lãnh đạo Ban trọng tài bình an vô sự. Đơn giản, họ chỉ nói rút kinh nghiệm và đã xử lý người làm sai.
Thế nhưng, vụ trọng tài Hà Anh Chiến lắng xuống được hai tháng thì chuyện trọng tài tiếp tục “dậy sóng” với lỗi kỳ lạ của ông Phùng Đình Dũng ở trận Khánh Hòa gặp Quảng Nam chiều 30/7/2016. Trọng tài Dũng không công nhận bàn thắng hợp lệ của đội chủ nhà với lý do không Fair-play, một điều luật do chính ông Dũng tự nghĩ ra.
Vụ việc này khiến cho ông Dũng nghỉ làm nhiệm vụ đến hết mùa bóng 2016. Thêm một lần “thí chốt” khi các “sếp” Ban trọng tài tiếp tục tại vị.
Những cái sai không được làm đến nơi đến chốn nên xảy ra câu chuyện bi hài trên sân Thống Nhất ở vòng 6 V.League 2017, trọng tài Nguyễn Trọng Thư bị CLB Long An phản ứng dữ dội và xảy ra “đại án” với 4 thành viên nhận án phạt mức 2-3 năm.
Sự việc này khiến cho ông Nguyễn Văn Mùi (Trưởng ban trọng tài) mất quyền phân công trọng tài. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi vì công tác trọng tài cứ sai liên tục, gây phẫn nộ.
Đáng nói, chính những người làm bóng đá Việt Nam cũng góp phần vào điều ấy khi cuộc bỏ phiếu cho ông Mùi nghỉ hay tại vị, có đến 16/21 phiếu đồng thuận giữ ghế cho ông Mùi trong cuộc họp Ban chấp hành VFF tại TP.HCM.
Bây giờ, nỗi đau mang tên trọng tài tiếp tục khiến cho người hâm mộ bức xúc, với việc trọng tài Nguyễn Văn Kiên thổi phạt đền “tưởng tượng” trong trận Khánh Hòa gặp HAGL ở vòng 7. Kết quả, ông Kiên bị VPF thôi mời làm nhiệm vụ và Ban trọng tài kỷ luật dài hạn.
Một câu hỏi cũ: Vì sao trọng tài sai chỉ xử một người, còn những người lãnh đạo Ban trọng tài VFF không bị xử lý?
Đến cái nhìn cùng một hướng của bầu Đức và bầu Tú
Trước khi VPF quyết định sốc với việc thôi mời ông Dương Văn Hiền và trọng tài Nguyễn Trọng Thư làm nhiệm vụ ở mùa bóng 2018, bầu Đức là người phản pháo mạnh mẽ vào ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng ban trọng tài VFF. Bầu Đức chỉ rõ là ông Mùi bảo kê trọng tài, bao che cho họ làm sai.
Đây không phải lần đầu tiên bầu Đức đọc tên nói thẳng về ông Mùi, với mong muốn dẹp những cái sai ở Ban trọng tài nhằm giúp bóng đá Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, hy vọng của bầu Đức dường như chỉ là… giấc mơ. Ông Mùi vẫn tại vị, chỉ nghỉ khi hết nhiệm kỳ VII vì lý do không muốn làm nữa.
Mới nhất, bầu Tú với tư cách Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Trưởng giải quyết định không mời ông Dương Văn Hiền và trọng tài Thư làm nhiệm vụ ở mùa bóng 2018. Bầu Tú cho rằng ông Hiền không thể vừa làm phó Ban trọng tài lại đi phân công chính mình làm giám sát trọng tài, làm như thế là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Hơn hết, VPF đánh giá ông Hiền bao che cho trọng tài Nguyễn Trọng Thư ở trận Quảng Ninh gặp Nam Định. Theo đó, trọng tài Thư nhiều sai lầm nhưng ông Hiền trong vai trò giám sát trọng tài lại báo cáo không trung thực, che lấp.
Thế nhưng, mọi thứ đang bắt đầu có dấu hiệu rối rắm, phó Ban trọng tài VFF tuyên bố: “Tôi đi để giúp đỡ anh em làm trọng tài là điều tốt, có gì đâu. Sau này, công việc tốt lên thì tôi nghỉ cũng được, còn thời điểm này tôi không dừng. Tôi cố gắng theo hỗ trợ để giúp đỡ anh em, nếu dừng lúc này chẳng lẽ theo công văn kia thì tôi bị kỷ luật à?
Tôi vẫn tiếp tục đi làm. Việc đi làm hay không thì bình thường đối với tôi thôi. Có thể tôi dừng cũng được nhưng thời điểm khác, tôi không dừng thời điểm này”.
Thông điệp gửi đi của vị phó Ban trọng tài VFF là không nghỉ, với lý do: “Tôi đi để giúp đỡ anh em làm trọng tài là điều tốt, có gì đâu. Sau này, công việc tốt lên thì tôi nghỉ cũng được, còn thời điểm này tôi không dừng. Tôi cố gắng theo hỗ trợ để giúp đỡ anh em, nếu dừng lúc này chẳng lẽ theo công văn kia thì tôi bị kỷ luật à?”.
Tất nhiên, một điều cần được làm rõ là chuyện giữa VPF và ông Dương Văn Hiền liệu có uẩn khúc nào hay không? Có đem việc chung trả thù cá nhân hay không? Vì sao vị phó Ban trọng tài dám tuyên bố “cứng” với quyết định không mời của VPF?
Người hâm mộ cần được biết và cần có đáp án chính xác từ những câu hỏi trên để hiểu rõ hơn về cuộc tranh cãi của bóng đá Việt Nam.
Dù thế nào thì một điểm chung hiếm hoi có thể nhìn thấy, là bầu Đức và bầu Tú đang cùng “chiến” với Ban trọng tài. Họ cùng quan điểm muốn bóng đá Việt Nam phát triển, dẹp đi những cái sai từ các “Vua sân cỏ”. Đó là tín hiệu đáng mừng khi hai ông bầu này từng có những khúc mắc lớn do ông Trần Anh Tú ngồi quá nhiều ghế.