1. Truyền thông Thái Lan giật tít rằng: "Những chú voi trẻ đã thất bại trước các chiến binh kỳ cựu của Việt Nam một cách đáng tiếc".
"Chúng tôi sử dụng hầu hết cầu thủ dưới 19 tuổi. Đúng là chúng tôi có chút bất lợi khi ra sân với một tiền đạo mới 16 tuổi (Thanawut Phochai -PV)", HLV Garcia nói sau khi thua Việt Nam ở chung kết.
HLV Hoàng Anh Tuấn nhận định trên truyền thông là U23 Việt Nam hơn Thái Lan 4 -5 tuổi nên không thể nhận định về chuyên môn. Cựu HLV U20 Việt Nam còn nhận định chuyện đá bóng chênh lệch nhau 2 - 3 tuổi ở lứa trẻ thì khó đá, không cân xứng.
Nhiều người hâm mộ Việt Nam phản ứng rằng, thua là thua và đừng đổ lỗi cho chuyện tuổi tác. Đó là một ví dụ để thấy mọi thất bại đều có lý do nhưng sự thật thì thua là thua.
2. Hồi tháng 5 năm nay, HLV Troussier nói U23 Việt Nam thiếu kinh nghiệm sau thất bại ở SEA Games 32. Thất bại của Olympic Việt Nam ở Asiad 19 cũng được nhận xét do dùng nhiều cầu thủ trẻ. Độ tuổi trung bình của Olympic Việt Nam là 20,3 (theo phát biểu của HLV Hoàng Anh Tuấn).
Câu hỏi đặt ra: Nếu Olympic Việt Nam dùng những cầu thủ tốt nhất trong độ tuổi dự Asiad 19 thì HLV Hoàng Anh Tuấn lấy được thêm những ai từ danh sách U23 Việt Nam của HLV Troussier?
Đó là Văn Đô, Quang Thịnh, Văn Tùng, Văn Trường, Ngọc Thắng... Họ có trình độ tương đồng các cầu thủ dự Asiad 19.
Chỉ có sự khác biệt duy nhất là HLV Hoàng Anh Tuấn chọn thủ môn Đỗ Sỹ Huy và tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng - hai cầu thủ trên 23 tuổi, thay vì các cầu thủ giỏi như Hoàng Đức, Văn Toàn, Tiến Linh, Văn Hậu. Nhưng Olympic Thái Lan cũng không dùng Chanathip và Theerathon Bunmathan, kể cả Suphanat Mueanta (21 tuổi) cũng không tham dự.
Nhìn vào sự thật, HLV Hoàng Anh Tuấn có "xới tung" cả V.League cũng không thể tìm ra những gương mặt giỏi cho Olympic Việt Nam.
Ở một góc nhìn khác, Olympic Việt Nam khó nói non kém, bởi một số cầu thủ đã hai lần vô địch Đông Nam Á, HCV SEA Games 31, tứ kết U23 châu Á 2022. Phần lớn đã thi đấu chuyên nghiệp, không còn lạ lẫm giống như năm ngoái.
Olympic Việt Nam bị loại sớm không phải lý do chính vì tuổi non và thiếu kinh nghiệm, mà bảng đấu quá khó với hai đội bóng mạnh hàng đầu châu lục gồm Iran và Saudi Arabia. Một thiệt thòi lớn là trận thắng Mông Cổ không được tính khi xét các đội đứng ba có thành tích tốt nhất.
3. Hậu vệ Đoàn Văn Hậu là ví dụ thực tế. 19 tuổi, Văn Hậu vô địch AFF Cup 2018, Á quân U23 châu Á và trở thành trụ cột tuyển Việt Nam. 20 tuổi, Văn Hậu sang Hà Lan và góp công giúp U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30. Không ai nói Văn Hậu là cầu thủ non kém kinh nghiệm.
Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Quang Hải, Tiến Linh... đều lên tuyển Việt Nam ở độ tuổi rất trẻ.
Với lứa cầu thủ hiện tại, chưa có cầu thủ nổi bật hơn những cái tên kể trên ở độ tuổi 18 - 20. Văn Tùng, Văn Trường còn kém xa so với Quang Hải, Văn Hậu. Quốc Việt, Đức Việt chưa giỏi như Công Phượng, Tuấn Anh.
Dù vậy, không ai đảm bảo một lứa cầu thủ trẻ tài năng sẽ trở thành các ngôi sao trong tương lai, ngược lại cũng vậy. Những cầu thủ có xuất phát điểm bình thường vẫn có thể giỏi sau 23 tuổi. Điều quan trọng là sự nỗ lực của từng cầu thủ, quá trình phát triển ở CLB và môi trường phù hợp để tiến bộ ở sân chơi chuyên nghiệp.
Câu chuyện của bóng đá Việt Nam bây giờ là không nên nhìn về quá khứ huy hoàng thời HLV Park Hang Seo, mà cần có những mục tiêu phù hợp với lứa cầu thủ mới. Chúng ta cần chấp nhận thực tế là chưa thể tìm ra những cầu thủ giỏi như lứa Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, thay vì sau mỗi giải đấu thường nhắc về "bài ca" thua vì tuổi non, thiếu kinh nghiệm.