Câu trả lời sòng phẳng: Triết lý của HLV Troussier không thể là tương lai bóng đá Việt Nam. Đó chỉ là cách chơi của đội tuyển Việt Nam thời HLV Troussier, lúc cả hai chia tay thì một HLV khác đến sẽ có cách chơi khác, hoặc tương đồng. Giả sử ông Troussier không làm tốt và VFF sa thải thì tuyển Việt Nam sẽ chọn một HLV có triết lý khác.
Đúng hơn, Việt Nam thời HLV Park Hang Seo có triết lý chơi bóng là phòng ngự phản công. HLV Troussier trở thành người kế nhiệm thì chọn triết lý kiểm soát bóng. Người kế tiếp sẽ mang đến một triết lý tương đồng như HLV Troussier, hoặc quay về như thời ông Park là phòng ngự phản công.
Bóng đá Việt Nam đến hiện tại có thể khẳng định không có triết lý nào cả. Chúng ta có thể nhìn vào bóng đá Đức, họ từng chọn lối chơi thực dụng, rồi chuyển sang bóng đá tấn công. Tuy nhiên, cả hệ thống bóng đá Đức sẽ thay đổi từ mọi cách độ sang bóng đá tấn công, các HLV Đức theo đuổi xu hướng bóng đá đẹp.
Ông Troussier cũng hay phàn nàn về bóng đá Việt Nam từ trình độ cầu thủ đến sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng liệu HLV Troussier có làm theo đúng xu thế bóng đá chuyên nghiệp?
Câu trả lời là chưa đúng. Ông Troussier vẫn lặp lại câu chuyện cũ của HLV Park Hang Seo về cách dùng các cầu thủ theo xu hướng ngược với thế giới. Thời ông Park, nhiều tuyển thủ phục vụ cho U23 để tranh HCV SEA Games, đó là câu chuyện chưa hợp lý. Chuyện đưa tuyển thủ đi đá cấp trẻ hiếm xảy ra ở các nền bóng đá khác. HLV Troussier cũng đang dùng nhiều cầu thủ trẻ lên tuyển và phục ngược lại cho cấp U. Khuất Văn Khang đang trong mớ bòng bong đá ở đội tuyển rồi xuống U20, U22, U23 từ sân chơi Đông Nam Á đến châu Á, đó là trường hợp điển hình. Câu chuyện này nhìn thẳng vào vấn đề thì được gọi là bệnh thành tích.
Tựu trung, triết lý bóng đá của một nền bóng đá không do một mình HLV trưởng ĐTQG quyết định. Triết lý của HLV Troussier là cách chơi dành cho Việt Nam ở hiện tại, còn tương lai vẫn thay đổi nếu có HLV mới, trừ phi bóng đá Việt Nam định hình được triết lý và việc chọn HLV cho ĐTQG cũng dựa theo triết lý đó.