Chiều nay (8/3), đội tuyển nữ Việt Nam vẫn ra sân tập bình thường như mọi ngày để chuẩn bị cho hành trình săn vé dự World Cup. Hiện tại, toàn đội đang ở Hà Nội và tập đến ngày 21/3 sẽ bay sang nước Đức.
Bóng đá nữ chịu thiệt thòi rất nhiều so với bóng đá nam. Đó là điều mà phần lớn dễ dàng nhận thấy, khi từ sự đãi ngộ đến tiền bạc thì họ chỉ bằng một phần nhỏ so với các đồng nghiệp nam.
Thế nhưng, bóng đá nữ Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn luôn là niềm tự hào trong trái tim hàng triệu người hâm mộ. Đội tuyển nữ đã có 5 lần vô địch SEA Games, lần gần nhất là tấm HCV trên đất Malaysia trong bối cảnh U22 Việt Nam ra về ngay từ vòng bảng.
Bóng đá nữ Việt Nam luôn có những câu chuyện có thể chạm vào trái tim của chúng ta. Ví dụ như Vũ Thị Nhung đá bóng trong lúc mang thai, hay Thùy Trang đá bóng cứu mẹ ung thư ở SEA Games 29.
Gia đình là động lực lớn để các cầu thủ nữ thi đấu hết mình. Họ đá vì màu cờ sắc áo, niềm tự hào, tình yêu của người hâm mộ và đá vì muốn có thêm tiền thưởng để lo cho cuộc sống hàng ngày.
Những tháng ngày rong ruổi cùng trái bóng trong tình yêu bất tận và sự hy sinh lớn cũng khiến cho nhiều cầu thủ nữ đánh mất tuổi thanh xuân. Không ít người vẫn phải chịu cảnh cô đơn vì không có thời gian để nghĩ đến chuyện yêu và muốn có một tình yêu trọn vẹn thực sự là điều không hề dễ dàng đối với các cầu thủ nữ đi đá bóng.
Hôm nay, tôi có nói chuyện với Đặng Thị Kiều Trinh về ngày 8/3. Trinh bảo rằng: “Em bây giờ vẫn ế thôi anh ơi. 8/3 cũng giống như mọi ngày. Em thuộc diện ế bền vững”.
Kiều Trinh cũng từng yêu nhưng sau đó chia tay. Trinh và người yêu không thể níu giữ được tình yêu khi nhà vô địch SEA Games 29 đi đá bóng không ngừng nghỉ. Xa mặt cách lòng cùng bao rắc rối khác là điều khó tránh khỏi nên giấc mơ về ngôi nhà hạnh phúc của Trinh đến bây giờ vẫn dang dở.
Một cầu thủ nữ nổi tiếng khác là Tuyết Dung, nhiều năm rồi vẫn ở trong tình trạng ế. Đến mức, Dung xem chuyện chưa có người yêu là bình thường, vì muốn yêu cũng không biết yêu ai.
Kiều Trinh và Tuyết Dung chỉ là hai ví dụ điển hình của bóng đá nữ Việt Nam. Bởi rất nhiều cầu thủ nữ khác cô đơn trong ngày 8/3.
Nhìn lại quá khứ thì chuyện cầu thủ nữ ế và không tìm được tình yêu vì đi đá bóng là câu chuyện được ví như tiếng thở dài của bóng đá Việt Nam. “Cô gái vàng” Đoàn Thị Kim Chi cũng chịu tình cảnh này. Bây giờ, Kim Chi vẫn miệt mài cống hiến cho bóng đá, với suy nghĩ “kệ thôi - điều gì đến sẽ đến, tình yêu thì không thể nói trước được điều gì”.
Yêu và được yêu là mưu cầu hạnh phúc giản đơn của mỗi người. Thế nhưng, phần lớn các cầu thủ nữ Việt Nam không có được điều ấy. Một nỗi buồn thật sự nhưng họ không muốn nhắc đến. Bởi họ ngại và xem như một phần đánh đổi cho niềm đam mê cùng trái bóng.
Nhân ngày 8/3, người viết xin được chúc các cầu thủ nữ Việt Nam, các VĐV nữ thể thao nước nhà có thật nhiều niềm vui và gặt hái thật nhiều vinh quang về cho đất nước.