Thương hiệu U23 Việt Nam
Bảy tháng sau kỳ tích U23 châu Á, người hâm mộ cả nước tiếp tục được trải qua những ngày hạnh phúc, sung sướng tột cùng với U23 Việt Nam. Kỳ tích ASIAD 18 thực sự mang đến một hiệu ứng rất lớn cho bóng đá Việt Nam nếu nhìn từ người hâm mộ.
Cảnh tượng hàng nghìn người đội mưa đứng xem U23 Việt Nam thi đấu, sau đó rủ nhau ra đường ăn mừng chiến thắng như một ngày hội. Kể cả U23 Việt Nam thua trận thì người hâm mộ vẫn “đi bão”, vui sướng… Đó là những giá trị lớn lao để thấy U23 Việt Nam đã trở thành “thiên sứ tình yêu” của bóng đá Việt Nam.
Nhìn xa hơn, U23 Việt Nam đang trở thành thương hiệu không chỉ trong lòng khán giả mà vươn tầm quốc tế. Đó là hình ảnh Việt Nam ở Đông Nam Á, châu Á. Ví dụ trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Hàn Quốc có lượng khán giả còn xem nhiều hơn cả World Cup. Câu chuyện U23 Việt Nam liên tục tạo kỳ tích, xuất hiện trên báo nước ngoài mang đến một niềm tự hào Việt Nam…
Đến “bức tranh xám xịt” trong kỳ tích U23 Việt Nam
Nếu nhìn vào kỳ tích U23 Việt Nam thì người hâm mộ có quyền nghĩ đến những điều tốt đẹp cho bóng đá nước nhà. Thế nhưng, mọi thứ không hề đang tốt như “điểm sáng” mà thầy trò Park Hang Seo vẽ ra trong 8 tháng qua. Thậm chí, u ám đến khó tin.
Hai ngày nữa, Cúp quốc gia 2018 bước vào loạt đấu bán kết. CLB Bình Dương đã trả lời công văn của VFF là nếu VPF xếp lại lịch thì họ xin được không tham dự trận bán kết lượt về với CLB Hà Nội.
VFF lấy lý do mừng công U23 Việt Nam để dời lịch, còn VPF lấy lý do các cầu thủ đá ở U23 Việt Nam và vấn đề chuyền môn. Tuy nhiên, chỉ có trận Bình Dương - Hà Nội dời lịch, còn trận SLNA - Thanh Hóa vãn diễn ra vào ngày 5/9, cặp đấu này cũng có 3 tuyển thủ U23 là Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh.
CLB Bình Dương xin không được đá với lý do VPF làm không có tính xây dựng, khi đội bóng này chưa đủ điểm trụ hạng ở V.League. Nếu xếp lịch lại sẽ rơi vào cảnh khó khăn nhiều mặt tại V.League thì xảy ra nguy cơ xuống hạng. Nhìn ở khía cạnh CLB, đội bóng đất Thủ có lý do chính đáng để phản đối chuyện dời lịch, vì Bình Dương rớt hạng thì hậu quả thật khó lường khi ảnh hưởng đến rất nhiều con người.
Ngoài ra, các cầu thủ của hai đội bóng khác ở V.League cũng đang trong tình trạng sẵn sàng đình công bất kỳ lúc nào vì đang bị nợ lương. Thậm chí, 10 cầu thủ ký đơn đình công, nghỉ tập, lãnh đạo CLB phải dùng đến cách là mời luật sư đến nói chuyện, dù họ đang sai khi nợ lót tay, nợ lương, nợ thưởng trong nhiều tháng qua.
Tình trạng của hai đội bóng này chẳng khác nào “bom nổ chậm” có thể khiến cho V.League 2018 dối diện với nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn còn lại.
Trong khi đó, VFF vẫn chưa thể tổ chức đại hội nhiệm kỳ VIII. Sau những lần hoãn, mọi thứ vẫn im lặng và chưa rõ lúc này có thể diễn ra.
Câu chuyện của VFF xuất phát từ lùm xùm liên tục xảy ra sau thành công của U23 Việt Nam ở U23 châu Á. Thậm chí, sự việc này làm lu mờ cả kỳ tích của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Quá nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam cần được giải quyết như “một bức tranh xám xịt”, dù người hâm mộ đang vui vì “điểm sáng” U23 Việt Nam. Đó chẳng phải là một nỗi buồn lớn!
Nỗ lo cũ có nguy cơ tái diễn khi thành công ASIAD 18 của U23 Việt Nam tiếp tục lu mờ vì các vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam.