HLV Park Hang Seo chỉ ra một thực tế khá phũ phàng của bóng đá Việt Nam là nhiều cầu thủ trẻ phải chịu cảnh dự bị ở V.League, còn giải đấu có 47 ngoại binh trong năm 2020, trong đó 70% đá vị trí tiền đạo.
"V.League phải tự đặt câu hỏi tại sao tuyển Việt Nam thiếu tiền đạo. Tôi nghĩ ý kiến của mình sẽ bị một số CLB, một số người phản đối. Thế nhưng, tại sao cầu thủ trẻ ít được thi đấu thì VFF, VPF cần nghiên cứu", HLV Park Hang Seo nói.
Ông Park Hang Seo là biểu tượng cho sự thành công của bóng đá Việt Nam sau một giai đoạn bết bát (từ năm 2010 đến năm 2017). Cũng từ thời điểm nhà cầm quân người Hàn Quốc gặt hái được những chiến tích như vô địch AFF Cup 2018, Á quân U23 châu Á 2018, HCV SEA Games 30, Top 4 ASIAD 18..., nhiều ý kiến nói rất nhiều đến câu chuyện mơ về lần đầu dự World Cup.
Không ai đánh thuế giấc mơ, và khát vọng chung của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam là ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Nhưng làm cách gì để bắc thêm một cây cầu lớn để tuyển Việt Nam và HLV Park Hang Seo đi từ thành công ở sân chơi khu vực sang châu lục, rồi đến World Cup là một câu chuyện cực khó!
Đoạn đường kể trên có thể nói là hành trình dài vạn dặm với bóng đá Việt Nam. Vì phải mất 10 năm thì ĐTQG mới trở lại với ngôi vương AFF Cup. Chúng ta cũng chờ đợi ròng rã hơn nửa thế kỷ để có tấm HCV bóng đá nam SEA Games. Con đường đến World Cup chắc chắn phải dài và gian truân hơn rất nhiều so với hành trình vươn tầm số 1 Đông Nam Á.
Chúng ta phải học cách trân trọng quá khứ để nhìn về tương lai. Hành trình thành công dưới thời ông Park Hang Seo ghi nhận sự đóng góp của rất nhiều người, trong đó có dấu ấn rất lớn của bầu Đức khi xây Học viện bóng đá HAGL, đưa ông Park về Việt Nam, chấp nhận để lứa Công Phượng đá V.League ngay từ tuổi 18 -19... Cũng không thể bỏ qua những người "thắp lửa" như bầu Hải trong việc tạo ra những sân chơi mang tầm quốc tế để cho những tài năng trẻ được cọ xát, trưởng thành.
Những ông bầu kể trên đã góp phần bắc nên cây cầu lớn để bóng đá Việt Nam đi đến thành công trong 2 năm qua. Và nhìn lại những cảm xúc thăng hoa trong năm 2018 thì chúng ta mới thấy rằng, mọi sự đóng góp cho bóng đá đều đáng trân trọng, tạo ra ý nghĩa lớn chứ không phải chỉ nhìn vào "chóp đỉnh" V.League.
Đúng hơn, người hâm mộ khi nhớ về U23 Việt Nam ở Thường Châu (Trung Quốc) thì cần nhìn lại tình yêu bóng đá được nuôi dưỡng như thế nào với lứa Công Phượng. Đó phải là sự bắt nguồn từ các sân chơi như Giải U19 quốc tế 2014 - Cúp Nutifood đến các sân chơi U21 tạo nên hiệu ứng chưa có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Ví dụ sân Cần Thơ có sức chứa đến 50 nghìn người nhưng chật cứng chỗ ngồi, hàng nghìn khán giả phải trèo cây, nóc nhà để được xem những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... thi đấu.
Hãy nói về tình yêu bóng đá không phải ở cấp độ ĐTQG và V.League để thấy được sự quan trọng. Ở đâu có trái bóng, ở đó sẽ có tình yêu. SV-League 2020 kết thúc cách đây vài ngày là lăng kính thiết thực. Tôi từng tác nghiệp ở nhiều giải sinh viên nhưng SV-League đúng nghĩa là nơi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu bóng đá đến sinh viên nói riêng và người hâm mộ nói chung. Mỗi trận đấu có khoảng 2-3 nghìn CĐV nhưng bầu không khí như một ngày hội. Sinh viên của các trường cổ vũ xuyên suốt trong cả trận đấu. Họ giao lưu với nhau, gạt bỏ cho chuyện thắng - thua. Tất cả cầu thủ được đều CĐV hô vang để động viên theo đúng nghĩa tinh thần thể thao sinh viên.
Cũng trong ngày chung kết SV-League 2020, một thầy giáo của trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói trong niềm vui với tôi rằng: "Sau giải đấu này, chúng tôi đã có Hội CĐV để cho các em có cơ hội giao lưu, thể hiện tình yêu bóng đá. CLB bóng đá của trường cũng được nâng tầm với sân chơi 11 người thay vì chỉ đá futsal".
Chúng ta chưa cần phải thấy SV-League mang đến những tài năng học đường cho các ĐTQG, chỉ cần tạo được cảm hứng lớn để các ngôi trường phát triển môn bóng đá và nuôi dưỡng tình yêu thể thao cho sinh viên, điều đó đã tạo ra ý nghĩa rất lớn.
Nếu nhìn về một con đường chung là làm sao để bóng đá Việt Nam bắc cây cầu đến World Cup thì mọi sân chơi phải được trân trọng. SV-League xứng được ghi nhận một cách bình đẳng về sự nỗ lực của những người "khai sinh" ra sân chơi này, từ việc tạo ra một giải đấu xanh - sạch - đẹp, nơi lan tỏa tình yêu bóng đá, hay giúp cho các ngôi trường phát triển bóng đá một cách bài bản, chuyên nghiệp...
Có thể thấy rằng, chuyện làm sao lan tỏa và nuôi dưỡng tình yêu bóng đá cho nhiều thế hệ là vô cùng trọng để một nền bóng đá phát triển. Vì có đam mê, và tình yêu thì mới có những đứa trẻ theo nghiệp cầu thủ, sau đó trở thành những ngôi sao lớn.
Cũng chỉ khi nào cho ra đời nhiều sân chơi khác nhau, tạo cơ hội cho nhiều đứa trẻ, các tài năng được chơi bóng thì HLV Park Hang Seo mới hết trăn trở chuyện thiếu hụt nhân tài sau lứa Công Phượng. SV-League cũng là một trong những sân chơi đang hướng đến điều đó, bởi nhân tài bóng đá học là không thể đong đếm, chỉ là làm cách nào để phát hiện ra họ.
Cây cầu bắc đến World Cup phải bắt đầu từ tình yêu, từ sự chung tay của nhiều người, từ nhiều sân chơi khác nhau để có những tài năng bóng đá kiệt xuất, còn nói giỏi mà không làm thì giấc mơ World Cup sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.