Anh chàng du học sinh tài năng nhưng không “sính học bổng”
Nhắc đến Anh Tuấn, mọi người thường kể đến những thành tích nổi bật như: Nhiều năm liền nhận bằng khen sinh viên tiêu biểu của khoa, sinh viên 5 tốt cấp trường, gương mặt sinh viên tiêu biểu cấp ĐHQG. Năm 2016, Anh Tuấn vinh dự nhận bằng khen sinh viên 5 tốt cấp Trung Ương và rất nhiều các học bổng xuyên suốt 4 năm Đại học.
Sau tốt nghiệp, Anh Tuấn ngay lập tức nhận được đề nghị từ UBND TP.HCM tặng ngay 1 suất học bổng đi du học theo diện đưa cán bộ nguồn Thành phố đi đào tạo. Tuy nhiên, Anh Tuấn đã từ chối cơ hội này, anh chàng đã dành thời gian 1 năm để chuẩn bị hồ sơ và ôn luyện tiếng Anh, sau đó, cậu bạn đã nộp hồ sơ cho 4 Trường khác nhau ở Úc: gồm ĐH Monash, ĐH Queensland, ĐH Adelaide và Melbourne.
Đáng nói, hồ sơ của Tuấn đều được cả 4 trường chấp nhận, trong đó, có 3 trường gồm: gồm ĐH Monash, ĐH Queensland, ĐH Adelaide hỗ trợ học bổng. Tuy nhiên, Tuấn đã chọn trường ĐH Melbourne, 1 trường không có học bổng, thậm chí, chi phí học tập tại đây còn khá đắt đỏ.
Được biết, viện Đại học Melbourne là trường đứng đầu trong số các trường đại học tốt nhất tại Úc và thuộc nhóm trường ĐH chất lượng hàng đầu trên thế giới.
Chia sẻ về sự lựa chọn này, Tuấn cho biết: “Mình chọn ĐH Melbourne vì đây là ngôi trường đào tạo số 1 về chuyên ngành mình đang học. Bên cạnh đó, trường nằm tại Trung tâm thành phố nên mình cảm thấy khá thích thú với việc này. Sau một thời gian theo học tại ĐH Melbourne, mình còn có điều kiện tham gia miễn phí và thường xuyên nhiều hội thảo, sự kiện do Trường tổ chức, giúp bản thân trau dồi nhiều kiến thức và kỹ năng mới, một điều mà ở Việt Nam còn rất hạn chế. 8 tháng ở ĐH Merbourne, mình đã có cơ hội tham dự 120 sự kiện, về tài chính, khoa học, công nghệ mới”.
Cũng theo Tuấn cho biết, đi du học trong điều kiện phải tự túc 100%, trong khi đó, chi phí học tập, sinh hoạt tại Úc khá đắt đỏ. Đối với Tuấn và gia đình, đây quả là một áp lực về tài chính. Tuy nhiên, do từ bé, Tuấn đã ấp ủ ước mơ đi du học nên gia đình đã có sự chuẩn bị trước.
“Mình rất thương ba mẹ, mình cũng hiểu sự vất vả của ba mẹ ở quê nhà. Tuy nhiên, ba mẹ luôn động viên và không để mình phải quá lo lắng về chuyện tiền nong. Hiểu được sự cố gắng của ba mẹ nên mình luôn cố gắng học tập, định hướng phát triển bản thân nhiều hơn trong tương lai”, Tuấn chia sẻ.
Sau 8 tháng du học, từ một cậu sinh viên không biết làm Power Point suốt những năm học Đại học, thì bây giờ, Anh Tuấn đã trở thành Trưởng ban design của hội Sinh viên VASV, và Media oficer của cộng đồng du học sinh AFIS.
Tuấn mong muốn có thể truyền cảm hứng, năng lượng sống tích cực cho các bạn trẻ
Hiện tại Tuấn Anh đang định hướng bản thân trở thành một vlogger truyền cảm hứng sống, học tập cho các bạn trẻ. Thời gian gần đây, Tuấn theo dõi các trang mạng, báo chí thì được biết có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra, mà nạn nhân lại là các bạn trẻ. Là một người trẻ, đứng trước những vấn đề như thế, chàng trai này khá trăn trở. Vì vậy, Tuấn quyết định sẽ trở thành một người truyền cảm hứng sống, những năng lượng tích cực để phần nào giải tỏa những khúc mắc của các bạn trẻ hiện nay qua những vlog do Tuấn tự tay thực hiện.
Video: NGHỆ THUẬT LÀM QUEN TRONG EVENTS - 3 QUY TẮC VÀNG
Nội dung chủ yếu của các vlog mà Tuấn thực hiện chủ yếu liên quan đến các vấn đề đời sống, kỹ năng mềm, triết lí thành công… Trước mắt, Tuấn đang làm nội dung bằng Tiếng Việt, sắp tới chàng trai này sẽ cho ra mắt các vlog bằng tiếng Anh để nhiều người có thể tiếp cận. Cũng theo Tuấn, thời gian tới, Tuấn sẽ thực hiện những quảng cáo để nhiều người dùng mạng xã hội có thể tiếp cận các vlog do Tuấn thực hiện.
Video: Làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc?
Sinh viên Việt Nam thiếu vốn tiếng Anh, ham chơi, lười rèn luyện thể thao
Có cơ hội học tập, làm việc, tiếp xúc thường với các bạn sinh viên nước ngoài, Tuấn nhận thấy, điểm yếu nhất của sinh viên Việt Nam đó chính là tiếng Anh. Theo Tuấn, nhiều bạn sinh viên có vốn tiếng anh “hời hợt” sẽ khó lòng có thể tiếp xúc với những kiến thức mới, trong khi đó, tại ĐH Melbourne hay bất kì trường ĐH nào ở nước ngoài, hầu hết tài liệu, hội thảo, khóa học miễn phí, người ta đều sử dụng Tiếng Anh để truyền đạt.
Ngoài ra, Tuấn cũng cho biết, các bạn sinh viên nước ngoài khá chăm chỉ học hành và siêng luyện tập thể thao. Các bạn học tập rất nhiều, nhất là vào mùa thi, 12h đêm vẫn có hàng trăm sinh viên ngồi học bài tại thư viện. Ở họ, Tuấn nhận thấy tinh thần tự học rất cao. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên nước ngoài sẽ tranh thủ kiếm tiền bằng các công việc làm ngoài việc học.
Trong khi đó, rất nhiều sinh viên tại Việt Nam sau giờ học thường rủ nhau đi nhậu, hay đi chơi, cafe. Theo Tuấn, thay vì những thời gian vô bổ đó, sinh viên Việt Nam nên chú trọng hơn cho việc học tiếng Anh. Hoặc sau giờ học, thay vì đi nhậu, nếu không đến thư viện thì hãy đến những phòng tập gym, bể bơi để rèn luyện sức khỏe. Có như vậy, các bạn mới mau chóng phát triển cả về kiến thức lẫn đời sống tinh thần.