Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn
“Thiếu tiền hả con? Thôi cứ mang sách về đi, hôm nào có thì lại đưa”, bà Nguyễn Thị Bông (71 tuổi), cười xòa, đáp lời khi một sinh viên bối rối vì không mang đủ tiền mua sách.
Chồng sách ước chừng hơn 50 cuốn, được xếp ngay ngắn, đựng trong túi nhựa. Lôi mớ sách ấy ra, bà Bông nói bà đã đọc qua gần hết và nhớ rõ từng nội dung.
Thỉnh thoảng, có người đến hỏi mua sách để mang làm từ thiện, bà Bông bán theo kiểu vừa bán vừa cho, bởi bà quan niệm rằng: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”.
Mỗi ngày, cứ 15h là bà Bông ra ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) ngồi bán sách. Bà Bông nói bà bán đến tận khuya, khi nào mệt thì mới về. Cũng có khi bà mải mê đọc sách đến 1h sáng, chợt giật mình, lật đật về phòng trọ.
Thỉnh thoảng, nếu có tiền thì bà sẽ mua thức ăn mang theo, dằn bụng cho cả một ngày mưu sinh. Hôm nào không có, bà chờ có nhóm từ thiện đi ngang qua, xin một hộp để lấp đầy cái bụng đói.
Khó khăn là vậy, bà chưa từng mở lời xin tiền người đi đường. Bởi bà muốn dùng tiền từ chính sức lao động của mình. Trước đây, bà Bông tự lái xe máy, chở chồng sách từ nhà trọ ra điểm bán. Nhưng năm ngoái, căn bệnh tai biến đã khiến sức khỏe bà giảm sút. Việc đi đứng khăn nên giờ đây bà phải bỏ thêm 100.000 đồng/ngày đi xe ôm.
Tiền kiếm được từ việc bán sách, bà dùng trả tiền nhà trọ, ăn uống, không mơ tới chuyện có khoản dư.
Mỗi ngày, bà kiếm được 200-300.000 đồng từ việc bán sách. Hôm nào ế, bà cố nán lại đến khuya nhưng cũng vui vẻ ra về. “Hôm nay bán không hết thì mai bán tiếp. Chắc hôm nay người ta bận không đến mua được, ngày mai học sẽ đến. Sách còn đó chứ có mất đâu”, bà Bông bộc bạch.
Cuộc đời bi thương
Tiếng xe cộ ồn ào, tiếng người nói náo nhiệt không khiến bà Bông quá bận tâm. Bà chỉ rời mắt khỏi các trang sách khi có người đến hỏi mua.
Hơn 50 năm bám víu đường phố mưu sinh, bà Bông nói rằng bà không có kỷ niệm vui buồn nào cả. Mọi thứ trôi qua, bà chưa từng để trong lòng. Bà chỉ xem sách là người bạn tri kỷ, người bạn hiểu biết rộng rãi, cho bà nhiều thứ hơn kỷ niệm.
Thực tế, bà chỉ sống một mình, chồng, con không có. Anh em trong nhà mỗi người một cuộc sống, bà cũng chẳng bận tâm hay làm phiền ai.
Nhìn bà Bông, chẳng mấy ai đoán được bà từng sống trong một gia đình khá giả, sở hữu đến 3 căn nhà tại TPHCM.
Ánh mắt xa xăm, bà Bông kể lại biến cố đời mình một cách… nhẹ tênh. Bà Bông nói, trước đây gia đình bà có 9 anh em. 3 căn nhà trên được ba mẹ bà vừa dùng để ở, vừa cho thuê.
Từ nhỏ, bà Bông đã mê đọc sách, tìm hiểu kiến thức trên khắp thế giới. Bà khao khát lớn lên sẽ tự mở tiệm sách, làm chủ các con chữ đã mang lại nguồn cảm hứng cho mình.
Lớn lên, bà nuôi mộng thực hiện ước mơ. Bà mới nảy ra ý tưởng đi bán sách, dùng tiền đặt hàng của khách làm vốn.
Ngày đó, nhờ không cần bỏ nhiều vốn, bà Bông vừa phát triển việc kinh doanh. Mấy chục năm về trước, có khi mỗi ngày bà bán được vài triệu đồng, sách được khách hàng ở nước ngoài đặt mua. Nhưng dần về sau, người ta hiếm bỏ nhiều tiền mua sách nữa, bà Bông phải bỏ tiền túi làm vốn để mua sách cũ về bán.
Nhiều năm sau, mẹ của bà qua đời. Công việc bán sách cũng gặp nhiều khó khăn vì ế ẩm. 3 căn nhà do ba mẹ để lại được chia đều cho anh em trong nhà. Thế nhưng, biến cố cuộc đời đã khiến bà Bông phải đi ở trọ, sống lang thang.
Kể từ đó, bà Bông chỉ sống một mình, không muốn lập gia đình để thoải mái đầu óc.
"Cuộc sống mình thì mình tự lo, đâu có ai lo cho mình được. Nhưng có sao đâu, miễn là thấy thoải mái, tự do, không vướng bận gì là được. Cả đời tôi chẳng xin xỏ ai, tự làm tự nuôi, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình", bà Bông tâm sự.
Ở tuổi này, bà chẳng mơ ước điều gì ngoài một đôi mắt sáng để hằng ngày được đọc sách. Bà cô đơn nên chỉ có sách làm bạn. Nếu không còn khả năng đọc, bà Bông xem đó là nỗi buồn lớn nhất đời.