Bên cạnh tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Hà Nội, nỗi lo ngại về tình trạng mất vệ sinh ở nhiều khâu hiện nay mới là nỗi lo ngại lớn nhất.
Một người bệnh đi khám, điều trị thường có từ một đến hai người nhà phục vụ. Hàng trăm người tập trung trong một khu vực chật hẹp, một giường có từ vài người bệnh đến hơn mười người bệnh đăng ký nằm điều trị.
Trong khi đó, phần lớn các nhà vệ sinh của bệnh viện bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nhà vệ sinh hư hỏng không được sửa chữa, đóng khóa cửa. Nhiều nơi vệ sinh bẩn đến nỗi khi đi vào đó, mọi người phải nín thở.
Tình trạng thiếu bồn rửa tay, nước sạch, xà-phòng, hóa chất diệt khuẩn là chuyện thường tình ở nhiều bệnh viện. Việc nhà vệ sinh thiếu và bẩn là nguy cơ rất lớn dẫn đến nhiều hệ lụy về lây nhiễm chéo bệnh dịch, làm trầm trọng thêm, tăng chi phí, thời gian điều trị cho người bệnh, gây khó khăn, ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh viện.
Tại bệnh viện Đa khoa Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khu nhà vệ sinh của nhà C, và nhà A bệnh viện này luôn nằm trong tình trạng mất vệ sinh trầm trọng. Tại dãy nhà C cả 4 tầng đều có nhà vệ sinh thì có đến 3 tầng nhà vệ sinh quá bẩn, tầng trên cùng dành cho cán bộ nhân viên thì tạm chấp nhận được.
Dưới đây là một số bức ảnh chúng tôi ghi nhận được tại bệnh viện Nam Thăng Long:
Với tình trạng mất vệ sinh trầm trọng như vậy, nhiều bệnh nhân cho biết họ không dám đi vệ sinh ở khu vệ sinh của bệnh viện mà phải đi vào các dụng cụ tại chỗ như bô, chậu rồi nhờ người nhà mang đi đổ.
Thiết nghĩ, một bệnh viện đa khoa nằm ngay trong nội thành Hà Nội, bên cạnh tuyến đường Phạm Văn Đồng nhộn nhịp mà tình trạng thiếu vệ sinh trầm trọng thế này còn xảy ra thì tại những bệnh viện nhỏ khác, ở nơi xa xôi khác còn như thế nào nữa?