Sau khi Nhà máy Thủy điện Sơn La tại xã Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đi vào hoạt động (từ tháng 12.2012), diện tích mặt hồ thủy điện tại tỉnh Sơn La đã tăng lên tới gần 21.000ha (gồm cả diện tích lòng hồ Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La). Đây là diện tích mặt nước sâu, có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú và nhiệt độ khá ổn định, tạo tiềm năng phát triển nguồn thủy sản đa dạng; trong đó có những giống cá có giá trị kinh tế rất cao như cá tầm, cá lăng, cá anh vũ, cá chép…
Trăn trở với việc đánh thức nguồn tiềm năng kinh tế - xã hội rất lớn này, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nghề nuôi trồng thủy sản phát triển; đặc biệt quan tâm tới việc nuôi trồng những giống cá quý, hiếm, tạo thị trường xuất khẩu và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Mở đầu cho bước đi tiên phong ấy là sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) Hạnh Lợi (huyện Quỳnh Nhai) và Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La (huyện Mường La) với sự lựa chọn đầu tư: Phát triển cá tầm thương phẩm và cá tầm giống cùng những sản phẩm từ cá tầm.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Ngọc Lan, Quản đốc Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La (huyện Mường La) cho biết: “Công ty chúng tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm từ 2011, đến năm 2014 mới mở rộng quy mô nuôi cá tầm chính thức. Quy trình nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP, tất cả công nghệ nuôi đều nhập từ Na Uy và Liêng Bang Nga…”.
“Hiện chúng tôi có 153 lồng nuôi cá trên diện tích 3ha mặt nước, trong lồng có hơn 140.000 con cá tầm, trong đó có hàng trăm con đang sinh sản, tốc độ sinh trưởng của cá tầm ở đây rất tốt. Bình quân 1 năm chúng tôi bán cá tầm ra thị trường dao động từ 150 tấn - 200 tấn, giá bán gần 200.000/kg.Thị trường tiêu thị chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Hiện tại cung không đủ cầu, công ty chúng tôi luôn trong tình trạng cháy hàng, không có sản phẩm để bán…”, ông Lan tiết lộ với PV.
Bên cạnh cá tầm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La còn chú trọng phát triển mô hình nuôi cá lồng, với các loại cá như: chép, trắm cỏ, rô phi, trôi, diêu hồng, lăng… Nhờ tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nhiều nông hộ và các Hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nuôi thủy sản đã ăn nên làm ra và có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Để tạo phong trào nuôi thủy sản ở huyện phát triển rộng khắp, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện trình HĐND huyện thông qua. Giai đoạn (2011-2015), huyện đã hỗ trợ cho các hộ dân 103 lồng cá, giống cá và thức ăn cho cá ở các xã: Hua Trai, Mường Trai, Nậm Giôn, Pi Toong, Chiềng Lao, Ngọc Chiến, Chiềng Hoa và thị trấn Ít Ong với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được 50 Hợp tác xã, trong đó có 37 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản có 4 HTX và hàng trăm hộ dân sinh sống ở các xã ven lòng hồ sông Đà nuôi cá lồng. Qua đó, nghề nuôi cá lồng góp phần giảm nghèo, nâng cao nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.
“Huyện cũng tạo điều kiện cho Tập đoàn cá tầm Việt Nam, đầu tư nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Công ty TNHH thủy sản Minh Tín nuôi cá hồi vân, cá tầm trên lòng hồ thủy điện Nậm Chiến với số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, cùng một số HTX, cá nhân đầu tư nuôi các loài cá nước ngọt khác với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng” - ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho PV Báo điện tử DANVIET.VN biết thêm..
Để nghề cá phát triển, huyện Mường La đã xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư các dự án đến năm 2020, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn đầu tư theo chính sách của tỉnh, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia để người nghèo được vay vốn nuôi thủy sản. Đồng thời, tiến tới xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản ở xã Mường Bú, Chiềng Lao và thị trấn Ít Ong; xây dựng các bến cá, chợ cá và một số điểm tập kết truyền thống ở xã Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Tạ Bú và thị trấn Ít Ong.
Ông Lò Văn Chờ, bản Phiêng Se (xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cho hay: Trước kia gia đình chủ yếu trồng ngô sắn, nhưng thu nhập thấp lắm. Cuối 2015 tôi mới chuyển sang nuôi cá lồng như chép, trắm cỏ, trôi, lăng, rô phi phát triển kinh tế. Mỗi năm gia đình tôi có lãi gần 100 triệu đồng, nhà cửa đều xây dựng khang trang rồi.
Huyện Mường La cũng chủ trương xây dựng một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm thủy sản, từng bước xây dựng thương hiệu “Cá lăng lòng hồ sông Đà”, “Cá hồi Ngọc Chiến”, “Cá tầm sông Đà”, “Cá chiên sông Đà”… kết hợp phục vụ khách tham quan Nhà máy thủy điện Sơn La. Huyện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với các hộ nuôi cá lồng về việc tổ chức thu mua, tiêu thụ, phân phối sản phẩm thủy sản trên thị trường trong và ngoài tỉnh.