Mới đây, vụ đánh ghen kinh hoàng khiến cô gái bị đổ nước mắm, ớt lên người xảy ra tối 12/6 trên phố Cao Thắng (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá) khiến dư luận vô cùng xôn xao.
Hiện cơ quan Công an TP Thanh Hoá đang vào cuộc điều tra làm rõ. Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, theo Hiến pháp quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo thông tin ban đầu, có thể xuất phát từ mâu thuẫn ghen tuông, đối tượng nữ đã sử dụng vũ lực đánh, lột đồ nạn nhân sau đó đổ nước mắm, bột ớt lên người nhằm mục đích bêu riếu nạn nhân trước mặt mọi người đi đường.
Theo luật sư Thơm, nếu có căn cứ chứng minh người chồng có dấu hiệu vi phạm chế độ hôn nhân gia đình thì có nhiều cách hợp pháp để giải quyết vụ việc như: có thể làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an giải quyết, xử lý theo pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 181 Bộ luât hình sự 2015.
“Pháp luật nghiêm cấm sử dụng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, không chỉ trong quan hệ hôn nhân gia đình. Hành vi của đối tượng nữ đã xâm phạm đến 3 khách thể được Bộ luật hình sự bảo vệ, đó là tính mạng, sức khỏe; danh dự, nhân phẩm của công dân và xâm phạm đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, quy tắc sống xã hội chủ nghĩa.
Xét hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm 03 tội, đó là tội làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134, Điều 155 và Điều 318 BLHS 2015”, luật sư Thơm nhận định.
Luật sư Thơm cho rằng, căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS), Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS) thì cần phải có Đơn yêu cầu của người bị hại.
“Nếu người bị hại trong vụ việc này không yêu cầu khởi tố các đối tượng, không giám định thương tích để làm căn cứ xử lý thì Cơ quan điều tra vẫn có căn cứ để xử lý đối tượng về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS. Hành vi dùng vũ lực nếu thực sự là để đánh ghen, làm nhục người khác cũng không phải là một giải pháp để níu kéo tình yêu, hạnh phúc gia đình, thậm chí còn làm trầm trọng hơn quan hệ tình cảm”, luật sư Thơm nói.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.