Căn biệt thự cổ 65 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) được xây dựng từ những năm 1930. Đây là nơi sinh sống của 5 hộ gia đình với hơn 20 nhân khẩu, chủ yếu là giới văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Phan Chánh, Nguyễn Sáng, cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiếu, nhà văn Vũ Tú Nam, Văn Thanh Hương. Gia đình nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân sống tại tầng 2 của căn biệt thự này.
Ngôi nhà danh nhân này từng gắn bó nhiều kỷ niệm với đại gia đình nghệ sĩ, nhưng hiện tại, ở tầng trệt có một gia đình mới chuyển đến, tiến hành hạ cốt nền, cơi nới, đục thông các phòng để làm một không gian lớn trưng bày tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và sự bền vững của ngôi nhà cổ.
Theo phản ánh của người dân sống trong căn nhà cổ 65 Nguyễn Thái Học, gia đình ở tầng một chuyển đến từ năm 2013. Sau khi chuyển đến họ tiến hành phá toàn bộ tường 40 chịu lực để thông từ nhà nọ sang nhà kia, khiến cho tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà này lơ lửng, không có tường chống đỡ. Chưa dừng lại ở đó, gia đình này còn thuê một ngôi nhà ở đằng sau rồi phá nốt. Họ khoét lòng để nhà cao và rộng thêm 1m.
Qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy được sự xuống cấp nghiêm trọng của căn biệt thự, khi trần nhà bị lở và bong tróc nhiều chỗ, tường nứt nẻ, thậm chí một số chỗ còn trơ ra những thanh sắt sét rỉ. Bên cạnh đó, đường dây điện được bố trí tạm bợ, đó là lý do dẫn đến chập điện gây ra hỏa hoạn vào trưa ngày 23/10, chính tại căn biệt thự này.
Chị Hằng - hộ gia đình sống trong căn nhà 65S bức xúc: “Chúng tôi luôn sống trong sợ hãi vì lo ngôi nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào“.
Chị Hằng nói thêm: “Cái gì cũng có cái giá của nó. Cứ mỗi lần mưa lớn thì gia đình nhà ấy như một cái bể bơi mini, nước tràn vào nhà lênh láng, trong đó có cả nước cống. Nước ngập khiến khung tranh bị hỏng phải vứt bỏ khá nhiều. Lấn chiếm để vụ lợi, để kinh doanh cũng không tốt đẹp gì“.
Tương tự chị Hằng, bà Vuông cho biết: “Để có cái nhìn khách quan về hiện trạng ngôi nhà cổ, tốt nhất nên mời kiến trúc sư về thẩm định lại. Nếu họ bảo ngôi nhà chắc chắn, kiên cố thì chúng tôi sẽ không có ý kiến gì, còn nếu phá vỡ kết cấu ngôi nhà thì phải có biện pháp giải quyết triển để. Chúng tôi không thể sống mãi trong tình trạng nơm nớp lo sợ không biết nhà sập lúc nào như vậy được”.
Người dân sống ở căn nhà cổ này nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng chưa nhận được những phản hồi thỏa đáng. Nghệ sĩ Chiều Xuân (sống tại tầng 2 căn nhà cổ 65 Nguyễn Thái Học) từng gửi thư ngỏ lên UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội để phản ánh về hiện trạng ngôi nhà.
“Chúng tôi đã họp với Ủy ban phường và hộ gia đình dưới nhà để nêu lên sự nguy hiểm ảnh hưởng đến cấu trúc ngôi nhà, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng“, nghệ sĩ Chiều Xuân nói.
Bà Yến, người giúp việc nhà nghệ sĩ Chiều Xuân trả lời về vụ việc.
Trước vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với ông Th.s Kết cấu Ngô Sĩ Lam (Đại học Xây dựng Hà Nội). Ông Lam cho biết đây là một sự việc nghiêm trọng cần được đội ngũ kiến trúc sư khảo sát thực tế mới đủ kết luận. Còn nếu đây là tường chịu lực thì không thể nào phá dỡ được.Còn nếu muốn phá thì phải có phương án thiết kế, lấy cái khác để thay thế tường chịu lực.
“Như vậy phải lấy một kết cấu khác để thay thế và phải có bàn tay của kỹ sư xây dựng. Ở đây tường đang chịu lực mà tự ý phá, cơi nới, xây dựng, khoét lòng thì vô cùng tai hại. Ngôi nhà sau khi bị phá các vách ngăn thì không còn khả năng chống đỡ theo chiều ngang. Khi chịu tải trọng khác nhà bị nghiêng rồi đổ sập“, ông Lam nói.
Dưới đây là một số hình ảnh về ngôi nhà cổ: