Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Lãnh đạo Việt Nam và nhiều nước viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra trong hai ngày và lễ viếng bắt đầu từ 7h hôm nay, thứ tư 26/9.

6h sáng thứ tư 26/9, hai ngày quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang được bắt đầu bằng lễ thượng cờ rủ tại quảng trường Ba Đình và tòa nhà Quốc hội.

Một giờ sau, lễ viếng diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Ngoài sân nhà tang lễ, gia đình họ tộc của Chủ tịch nước đội khăn tang ngồi lặng lẽ, kín hai dãy ghế đá. Nhiều đoàn cán bộ cấp cao xếp hàng dài chờ đến giờ bắt đầu buổi lễ.

Linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang phủ Quốc kỳ đỏ thắm. Ảnh: Giang Huy

Linh cữu Chủ tịch nước đặt ở trung tâm đại sảnh Nhà tang lễ. Trước linh cữu là bàn thờ, Quốc kỳ viền dải băng đen bên trên có dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam”, tiếp đó là di ảnh của Chủ tịch nước.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu mở đầu tang lễ, nhấn mạnh những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua nhiều trọng trách khác nhau.

“Hơn 46 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời, có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý của nhà nước và quốc tế… Đồng chí mất đi là tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, Phó thủ tướng nói.

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, đoàn gia đình họ tộc Chủ tịch nước do phu nhân, bà Nguyễn Thị Hiền, dẫn đầu đã thành kính dâng hương, dâng hoa lên linh cữu. Lần lượt đi vòng qua linh cữu Chủ tịch nước, dòng người mang băng tang trắng quanh đầu không cầm được nước mắt và những tiếng nghẹn ngào.

Từ trái qua: Con trai trưởng và phu nhân cố Chủ tịch nước tại lễ viếng sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy

Tiếp sau gia quyến, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào viếng.

Trong đoàn có nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương…

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang”.

Sau khi thắp hương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước chậm rãi vòng qua linh cữu. Ông dừng lại thăm hỏi, chia sẻ mất mát với phu nhân và gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng viếng cố Chủ tịch nước. Ảnh: Giang Huy

Ghi vào sổ tang, Tổng bí thư viết:

“Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là với lực lượng Công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí!

Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia buồn cùng gia quyến cố Chủ tịch nước. Ảnh: TTX

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Chính phủ vào viếng, tiếp sau ông là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình… Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ chắp tay trước linh cữu, gương mặt trầm buồn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nắm tay từng người trong gia quyến cố Chủ tịch nước để chia buồn.

Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Trong cuộc đời công tác hơn 40 năm của mình, đồng chí Trần Đại Quang luôn tận tụy, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đồng chí đã có nhiều cống hiến, đóng góp đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc…”.

Cũng trong sổ tang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam”.

Từ trái qua: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi sổ tang. Ảnh:TTX

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt đoàn Quốc hội thắp hương viếng cố Chủ tịch nước. Bà ôm lấy phu nhân Chủ tịch nước khá lâu để thăm hỏi và động viên.

Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh không giấu được xúc động nghẹn ngào khi dẫn đầu đoàn viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tham gia đoàn có nguyên Phó chủ tịch nước: Nguyễn Thị Doan, Trương Mỹ Hoa; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung…

Đặt hai tay lên linh cữu, mắt đỏ hoe, bà Thịnh cúi đầu rồi dừng lại khá lâu. Khi xuống phía gia đình, bà ôm lấy phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang rồi cầm tay từng người.

Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ cùng phu nhân cố Chủ tịch nước. Ảnh: TTX

Thương tiếc người anh trong công việc, chia sẻ của quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong sổ tang có đoạn: “Mấy ngày qua, cơ quan luôn trong không khí buồn rười rượi vì sẽ vĩnh viễn thiếu vắng anh và không thể tin anh ra đi mãi mãi và ra đi thực sự rồi.

Phòng ăn trưa hàng ngày Anh vẫn ngồi ăn, anh chị em vẫn chuẩn bị tươm tất bữa ăn nhưng vẫn còn nguyên vẹn, cùng với những nén nhang thơm nhưng thấy xé lòng Anh ạ!”.

Đoàn Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, do Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an dẫn đầu, viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTX

Tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM… vào viếng đầu tiên.

Ghi sổ tang, ông Nguyễn Thiện Nhân viết: “Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí đã có nhiều quan tâm, ủng hộ việc xây dựng các chủ trương, chính sách để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững vì cả nước. Trong thời gian là đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, đồng chí đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân thành phố để có hướng giải quyết kịp thời…”

Tại Ninh Bình, cùng thời điểm diễn ra lễ viếng ở Hà Nội và TP HCM, lễ viếng Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã diễn ra trọng thể tại xóm 13, xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn) - quê hương ông.

Người dân Ninh Bình xúc động tại lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTX

Cũng trong sáng nay, nhiều đoàn đại biểu quốc tế, đại diện lãnh đạo một số nước đã có mặt tại Hà Nội, vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon dẫn đầu đoàn vào viếng và bày tỏ rất buồn về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

“Người dân Hàn Quốc sẽ nhớ sự quan tâm đặc biệt và tình hữu nghị cố Chủ tịch nước dành cho Hàn Quốc và sẽ nỗ lực tiếp tục phát triển quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang không những là nhà lãnh đạo cả thế giới tôn trọng mà còn là bạn thân quý của dân Hàn Quốc”, ông viết.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen viếng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu ba, Đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản mang theo vòng hoa của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật…, đã dẫn đầu các đoàn đại biểu cấp cao vào viếng cố Chủ tịch nước.

Lễ viếng tiếp tục diễn ra trong chiều nay.

Sau hơn một năm điều trị bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần hồi 10h05 ngày 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Việt Nam dành hai ngày quốc tang để tưởng nhớ ông (26 và 27/9). Trong những ngày này, các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Lễ viếng Chủ tịch nước được tổ chức đồng thời ở 3 điểm Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Hội trường UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Ngày mai, thứ năm 27/9 sẽ diễn ra lễ truy điệu và di quan. Thi hài Chủ tịch nước được đưa về an táng tại quê hương ông: xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất