Trong một dòng trạng thái, tôi lỡ tay viết thiếu chữ G ở từ Hà Giang, một người bạn đã nhắc: “Xin anh đừng gọi tên Hà Gian bởi mảnh đất địa đầu chỉ có đá và đá này, hơn 77 vạn dân đã chịu bao cực khổ để bám trụ biên cương hàng ngàn năm nay. Họ không hề có lỗi, không hề được hưởng lợi từ các trò gian lận, nếu không nói là thiệt thòi. Tuyệt đại đa số họ không biết chúng ta đang mắng nhiếc địa phương của họ (vì đồng bào đâu có điều kiện) nên chính chúng ta phải xót xa cho họ anh ạ!”.
Một cô giáo viết trên trang cá nhân của mình thế này đây: “Đường tới trường: cô trò trèo đèo lội suối, qua đoạn đường hễ mưa là bùn đất ngập tới bắp chân, ngã lên ngã xuống, vài cây số cũng mất cả chục tiếng đồng hồ, hoặc chon von trên những cây cầu thử thách ý chí sinh tồn, chỉ độc có vài thanh sắt và dây thừng, hoặc qua suối bằng cách chui vào bao nilon để kéo qua sông. Nơi đó, thầy cô phải tắm gội, cắt tóc, cắt móng tay, vệ sinh thân thể cho học trò sau mỗi kỳ nghỉ hè…”
Thế rồi một ngày, sự hiếu học ấy bị phủi mờ chỉ qua một kỳ thi, và lỗi lầm của một số người trong cuộc. Trong công bố của Bộ Giáo dục về điểm thi THPT quốc gia 2018, cho thấy sự bất thường ở nhiều môn học ở tỉnh Hà Giang. Đơn cử, ở 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm, 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm, 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm,… Và tất cả được làm theo công thức: 6 giây/bài thi + sự phù phép của ông Lương = một học trò “rớt” trở thành thủ khoa trong chớp mắt.
Điều tiếng người Hà Giang đang chịu, xì xào sinh viên Hà Giang đang nghe, và cùng gánh nhưng thực ra họ không dính dáng gì, chẳng có lợi lộc hay miếng phần nào. Thậm chí sau chuyện này, thiệt thòi còn tăng gấp bội khi học hành, thi cử ở mảnh đất địa đầu còn bị “soi” và dòm ngó kĩ hơn. Ai làm nấy chịu, ai chạy chọt xin điểm người ấy phải gánh hậu quả nhưng phải thời gian dài nữa tai tiếng chung mới nguội dần. Và liệu những đứa trẻ sau này vào thành phố, khi được hỏi về mảnh đất quê hương, chúng có lẽ sẽ ái ngại nhường nào khi nói mình đi ra từ Hà Giang? Nơi rẻo cao gió buốt, chúng hằng ngày đến trường tìm con chữ!
“Ở Hà Giang vẫn rất nhiều giáo viên ngày đêm bám trụ. Mỗi học trò con em dân tộc thiểu số của họ đeo đuổi tới được THPT là kỳ tích, là niềm tự hào lớn, dẫu có thể các em làm bài thi chỉ được 3,4 điểm, thì giá trị của nó, dù so sánh khập khiễng, nhưng đáng trân trọng hơn rất nhiều điểm 9, điểm 10 ở miền xuôi. Vì con điểm khiêm tốn này, các em phải đánh cược bằng cả tính mạng trên đường đến trường.Vậy mà, nơi đó, lại có nhiều điểm 1,2 phù phép thành điểm 8,9…”. Nuối tiếc ấy của một giáo viên rất đáng để chúng ta suy gẫm.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử đã nhận trách nhiệm và chia sẻ: “Chúng tôi có trách nhiệm rất lớn với Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, với Bộ GD-ĐT và lớn hơn là với nhân dân tỉnh Hà Giang và các em học sinh. Sự việc không mong muốn này xảy ra, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt và quyết tâm. Trong thời gian rất ngắn, làm thâu đêm suốt sáng để bây giờ có câu trả lời trước dư luận và chúng ta không dung túng cho tiêu cực, chúng ta phải làm thế nào để đem đến cho xã hội niềm tin, mang cho các em học sinh niềm tin để các em cố gắng”.
Lời ông Sử và cả cấp trên ông ấy “hiên thực hóa” đến đâu thời gian sẽ trả lời. Riêng tôi và có lẽ rất nhiều người đang chờ đợi xem họ sẽ làm thế nào để “… đem đến cho xã hội niềm tin, mang cho các em học sinh niềm tin để các em cố gắng”.
Không thể vì vài “con sâu” mà hỏng cả “nồi canh” họ dày công “nấu nướng”. Dưới đồng bằng hay nơi đô thị, chúng ta cố gắng một trên nơi đá nhiều ngang đất, miếng ăn còn khó hơn kiếm cái chữ thì bà con phải nỗ lực gấp chục lần. Động viên, chia sẻ cùng họ trong lúc này có lẽ cần thiết hơn những vui đùa, giễu cợt hay nghi ngại tràn lan…
Còn ngay lúc này, khi bạn đang đọc đến dòng cuối của bài viết này, thì cũng vừa kịp cho vài ba đứa trẻ chân trần bước bộ trên những rẻo cao tới trường tìm chữ, bố mẹ chúng vẫn sớm tinh mơ vác cuốc ra đồng. Và trong bước chân tụi nhỏ, nhát cuốc người lớn,… mang theo cả ước mơ về: Một Hà Giang hiếu học bao giờ đổi đời?