Bộ phim ngắn mang tên “A social life” (Một cuộc đời “ảo”) nói về Meredith, một thiếu nữ ngoài 20, độ tuổi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của mạng xã hội trong thời điểm này. Đây cũng là hình ảnh chung, thường thấy trên bất kì một trang cá nhân nào của giới trẻ hiện nay: “Những gì họ đăng tải chưa chắc là điều họ đang trải qua”.
Chân dung kẻ “sống ảo” của thời đại
Họ không suy nghĩ đến việc ăn gì, ở đâu và làm gì như đúng tên gọi của nó. Tất cả những gì khiến họ bận tâm đó là: Ăn gì để chụp hình đẹp, ở nơi nào có thể selfie, làm một chuyện gây sự chú ý,… những cái like, comment và lượt xem trên trang cá nhân mới là thứ giúp họ tồn tại, vui vẻ và có cảm giác đang được sống.
Càng dành thời gian chăm chút cho mạng xã hội, họ càng cô đơn vì chẳng ai đủ kiên nhẫn để cứ mãi chờ họ thoát khỏi những ám ảnh về cuộc sống hoàn hảo trên những trang nhật kí ảo đó cả.
Nếu có một người bạn trước khi ăn sẽ phải bày biện thật đẹp để chụp hình, trước khi đi đâu đó sẽ phải mất hàng giờ để tìm cách thông báo cho mạng xã hội biết về hoạt động của mình, hay chỉ đơn giản là làm gì cũng phải báo cáo cho Facebook, Twitter, Instagram,… thì đích thị bạn đang nhìn thấy Kẻ sống ảo của thời đại rồi đấy.
Những tín đồ ẩm thực “ảo”
Dù có phải ăn mì tôm cũng tỏ ra là một đầu bếp điệu nghệ. Đó là phương châm sống của các fan cuồng hashtag #foodporn, #instafood, foodoftheday,… (thể loại tag mới hiện đang được ưa chuộng với người dùng Instagram)
“Không quan trọng mình ăn gì, trong mắt vạn vạn bạn xã hội, tớ phải ăn ngon - sang - đẹp - bổ dưỡng theo trào lưu”. - Đó là quan niệm của họ về đồ ăn.
Khoe giày nghĩa là đến phòng gym
Khi bỏ ra một số tiền không nhỏ để đầu tư cho đôi giày thể thao hàng hiệu cực chất, bạn nghĩ họ đã quyết tâm rời máy tính để tiến đến máy tập chạy bộ? - Không đâu, chỉ là trang cá nhân của họ cần những hoạt động mang tính chất tích cực. Và thế là tập gym trở thành status định kì mỗi ngày được đăng tải vào khung giờ nhất định để thể hiện lối sống lành mạnh.
Foodphoto và shoefies (khoe giày để thể hiện) là hai hình thái rất phổ biến trong hàng loạt cách sống ảo của các bạn trẻ thời nay. Chúng ta thường trêu chọc, cười cợt họ nhưng thực chất đã ai nhận ra: Đó là những kẻ đáng thương nhất chưa?
Họ cô đơn nên phải tìm đến mạng xã hội như một sự thể hiện bản thân, họ sợ hãi phải phơi bày cuộc sống thật mà theo họ là “nhạt nhẽo” nên phải tìm mọi cách để tô màu cá tính cho nó. Còn gì đắng lòng hơn chuyện không thể sống thật với chính mình, không có ai bên cạnh để quan tâm, giúp đỡ họ thoát khỏi những khó khăn mà họ đang gặp phải. Triệu chứng trầm cảm xuất hiện là việc sớm muộn thôi.
Là con nghiện mạng xã hội, chỉ cần một sáng thức dậy không thấy gì mới trên trang cá nhân của mình, đó cũng là cả một cú sốc lớn.
Không bao giờ có kết cục tốt đẹp cho những con nghiện mạng xã hội, khi những nút likes không ăn được, những biểu tượng cảm xúc cũng không thể thay bạn bày tỏ thái độ với những người xung quanh. Khi bạn nghĩ họ đang xa cách bạn, thì chính bạn đã tự đẩy mình ra khỏi cộng đồng.
Sau khi đọc bài viết, hãy lập tức tắt máy, gặp bạn bè, đến một trung tâm sinh hoạt động đồng nào đó đăng kí ngay một khóa cắm hoa, nấu ăn,… hay chỉ đơn giản là bước khỏi phòng cùng bố mẹ ăn cơm. Để thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn con số hàng ngàn likes rất nhiều.