Thở máy, lọc máu liên tục
Ngày 21/6, bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đang điều trị một trường hợp mắc bệnh dại đang trong tình trạng nguy kịch.
Nam bệnh nhân (34 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, thường xuyên lên cơn co giật. Chẩn đoán của bệnh viện tuyến dưới là bệnh nhân mắc bệnh dại do chó cắn.
Người nhà bệnh nhân cho biết: Khoảng một tháng trước, bệnh nhân bị một con chó con do nhà nuôi cào xước chân. Do vết xước nhỏ, không có dấu hiệu nhiễm trùng nên bệnh nhân chủ quan không đi chích vắc xin ngừa dại.
Tuy nhiên, hai tuần sau, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sợ nước, sợ gió. Sau đó, bệnh nhân kích động, tiết nhiều đàm nhớt.
Trước tình trạng trên, gia đình đã đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương rồi sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
“Ca bệnh này diễn tiến phức tạp với nhiều tổn thương nặng như tổn thương tim, gan, thận, suy đa tạng”, bác sĩ Thủy đánh giá.
Theo bác sĩ Thủy, đây là ca mắc bệnh dại thứ ba mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận từ đầu năm đến nay.
Áp dụng phác đồ điều trị mới
Bác sĩ Thủy cho biết, bệnh nhân đã ở trong tình trạng suy hô hấp nặng, huyết áp tụt nên ngay khi nhập viện, các bác sĩ đã đặt ống thở, phải thở hoàn toàn bằng máy; dùng thuốc trợ tim để hỗ trợ tăng huyết áp cho bệnh nhân. Bệnh nhân cũng được dùng thuốc chống co giật.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng phải tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh nhân đang được sử dụng thuốc gây ngủ nhằm giúp phục hồi các nội tạng bị tổn thương. Phải sau 1-2 tuần nữa, các bác sĩ mới tiếp tục đánh giá được diễn tiến của bệnh.
“Trước đây các ca mắc bệnh dại khi đã lên cơn gần như tử vong 100%. Tuy nhiên, thời gian gần đây y văn thế giới đã ghi nhận hơn 10 trường hợp sống sót nhờ vào phác đồ điều trị mới. Do vậy, bắt đầu từ tháng 5.2017, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã thử áp dụng phác đồ điều trị này đối với bệnh nhân mắc bệnh dại. Mặc dù chưa cứu sống được bệnh nhân nào nhưng phác đồ này đã kéo dài sự sống cho bệnh nhân được trên 21 ngày thay vì chỉ 1-2 ngày như trước. Các bác sĩ hy vọng trong thời gian tới sẽ áp dụng phác đồ thành công nhằm giúp tăng cơ hội sống sót cho các bệnh nhân mắc bệnh dại”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Mặt khác, bác sĩ Thủy cũng khuyến cáo, khi bị gia súc, vật nuôi, thú hoang cắn hoặc cào, dù chỉ là một vết xước nhỏ người dân cũng nên đi chích vắc xin ngừa bệnh dại và huyết thanh kháng độc tố dại. Việc chích vắc xin ngừa dại bắt buộc phải theo đủ liệu trình 5 mũi vì từ mũi thứ 2 trở lên mới có hiệu quả bảo vệ.
Ngoài ra, vật nuôi trong nhà như chó, mèo cũng cần được chích vắc xin phòng dại đều đặn hằng năm.
“Khi bị gia súc, vật nuôi, thú hoang cắn hoặc cào, dù chỉ là một vết xước nhỏ người dân cũng nên đi chích vắc xin ngừa bệnh dại và huyết thanh kháng độc tố dại. Việc chích vắc xin ngừa dại bắt buộc phải theo đủ liệu trình 5 mũi vì từ mũi thứ 2 trở lên mới có hiệu quả bảo vệ” - Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.