Bà Nguyễn Thị Út (68 tuổi, ở thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) sinh được chín người con. Trong đó, sáu người bị mù bẩm sinh, ba người đã mất.
Ba người con trai bị mù còn lại là anh Hoàng Văn Viên (44 tuổi), Hoàng Văn Phong (38 tuổi) và Hoàng Văn Thượt (26 tuổi).
Cứ sinh con là mù
Bốn mẹ con bà Út hiện sống nhờ ở căn nhà hai gian của vợ chồng người con trai thứ hai lành lặn.
Bà Út kể người chồng đầu tiên của bà là bộ đội, hy sinh khi con trai đầu lòng còn nhỏ. Một thời gian sau, bà tái hôn với người chồng thứ hai và sinh tám người con.
Hai người con đầu của bà Út với người chồng sau đều lành lặn. Nhưng sáu người con sau đều bị mù bẩm sinh. Trong đó,có ba người mất khi còn nhỏ.
Người mẹ chia sẻ bà không biết vì sao những người con của mình bị mù bẩm sinh. Bà và chồng gắng sinh nhiều con để cứu vãn tình thế nhưng sáu đứa con liên tiếp sinh ra đều bị mù.
Theo bà Út, trước đây, nhà quá nghèo nên bà Út không có điều kiện đưa các con đi khám ở bệnh viện lớn. Bà có đưa con xuống cơ sở y tế xã khám nhưng không tìm ra bệnh. Đến nay, gia đình bà vẫn không biết chính xác các con mắc bệnh gì.
Bà Út phỏng đoán chồng bà từng đi dân công hỏa tiễn ở Đường 9, Khe Sanh khi chiến tranh diễn ra ác liệt nên khi trở về, những đứa con của ông sinh ra mới mang khuyết tật.
“Tôi đau khổ nhiều lắm. Là một người mẹ, ai mà không muốn con mình sinh ra lành lặn, nhưng số phận như vậy thì tôi đành chấp nhận.
Suốt bao nhiêu năm nay, tôi nén nỗi đau vào trong để nuôi dưỡng các con. Tôi nguyện đến khi nào còn sống, tôi sẽ gắng chăm lo các con đàng hoàng”, bà Út tâm sự.
Chứng kiến các con lần lượt ra đời đều mù bẩm sinh, chồng bà Út cũng buồn nhiều mà sinh bệnh. Ông qua đời hơn 25 năm trước, để lại bà Út một mình nuôi các con bằng nghề ruộng.
Cụ bà gần 70 tuổi cho hay hiện sinh hoạt của ba con trai phụ thuộc vào bà. Từ việc nấu cơm, giặt giũ đến hướng dẫn sinh hoạt cá nhân của các anh đều do bà lo liệu.
Mò mẫm mưu sinh
Chia sẻ về cuộc sống của mẹ và ba người em tàn tật cùng mẹ khác cha, anh Cao Minh Vân (con trai của bà Út và người chồng đầu) cho hay hiện nay, bốn mẹ con bà Út sống dựa và tiền trợ cấp xã hội.
Trước đây, anh Viên và Phong làm nghề chẻ củi thuê và đi mò ốc ở bờ sông về bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Riêng người em út bị gù, tật ở chân, đi không vững nên thường ở nhà, không mấy khi ra ngoài.
Gần đây, người dân chủ yếu nấu nướng bằng bếp ga nên không ai thuê anh em anh Viên chẻ củi nữa. Việc mò ốc cũng trở nên khó khăn khi những người khác dùng dụng cụ bắt hết ốc.
Anh Vân kể hai em trai của mình bắt ốc bằng cách buộc dây vào chân với thân cây ở trên bờ rồi xuống sông mò ốc. Khi bắt ốc xong, họ bám theo sợi dây để mò lên bờ.
Theo anh Vân, các em trai anh luôn buồn chán vì khiếm khuyết cơ thể và hoàn cảnh sống cơ cực. Vì vậy, khi đi bắt ốc, các anh không màng gì chuyện sống chết, chỉ gắng tìm được nhiều ốc, kiếm thêm tiền lo sinh hoạt của bốn mẹ con.
Thương ba người con trai bất hạnh, bà Út buồn khổ nhiều. Trong lòng bà day dứt vì các con đã trưởng thành nhưng không thể lập gia đình, không có nhà riêng.
“Nguyện vọng tha thiết nhất bây giờ của tôi là làm sao dựng được cái nhà nhỏ để bốn mẹ con tôi không phải ở nhờ nữa. Để sau này khi không có tôi chăm lo, các con tôi vẫn có cuộc sống tương đối”, bà Út tha thiết nói.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Đại Lượng - Trưởng thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - thông tin gia đình bà Út thuộc hộ nghèo trong thôn.
“Bà Út đã quá tuổi lao động, sống dựa vào trợ cấp vợ liệt sĩ, ba người con trai nhận trợ cấp cho người tàn tật. Hàng năm, có quà hay chế độ gì từ trên xuống chúng tôi đều xét ưu tiên cho gia đình bà Út”, ông Lượng nói.