Từ giữa tháng 5 tới nay, Bitcoin gần như chỉ dao động trong khoảng 29.000-31.000 USD. Các chỉ báo cho thấy Bitcoin đang tiến gần đến giữa hoặc cuối của thị trường này.
Các loại tiền số khác cũng đang trong giai đoạn ảm đạm. Cụ thể là trong khoảng hai tháng qua, Ethereum có nhiều nhịp giảm. Thị giá hiện quanh mốc 1.700-1.900 USD một đơn vị, chỉ bằng một nửa so với hồi đầu tháng 4. Binance Coin sau đợt tạo đáy dưới 230 USD một đơn vị, gần đây dần phục hồi nhưng chỉ quanh mức 275-310 USD, mất khoảng 20% thị giá so với đầu tháng 5.
Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, các nhà đầu tư tài sản kỹ thuật số coi Bitcoin - tiền số có lịch sử lâu đời nhất và vốn hóa thị trường lớn nhất - như kênh trú ẩn vì ít rủi ro hơn hầu hết các đồng khác.
Theo dữ liệu từ TradingView, Bitcoin hiện chiếm hơn 47% tổng vốn hóa thị trường tiền số. Các quỹ Bitcoin cũng ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp dòng tiền đổ vào cao hơn các quỹ tài sản kỹ thuật số khác. Báo cáo mới nhất từ CoinShares cho thấy các quỹ đầu tư tập trung vào Bitcoin đã thu được 125,9 triệu USD trong một tuần kết thúc ngày 3/6, và lên 506 triệu USD tính từ đầu năm đến nay.
Nhìn chung, các quỹ tiền số đã thu được khoảng 100 triệu USD vào dòng vốn. Các quỹ ngắn hạn Bitcoin - chủ yếu muốn đầu cơ từ việc giá tiền số giảm xuống - cũng ghi nhận dòng tiền vào 1,3 triệu USD. Yahoo Finance cho rằng tốc độ mua Bitcoin đang ở mức cao nhất trong gần một năm qua.
Theo CoinDesk, số tiền mới được phân bổ cho các quỹ Bitcoin đủ bù đắp cho khoản lỗ của các quỹ không phải Bitcoin hoặc các đồng tiền số thay thế (altcoin). James Butterfill - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại CoinShares - nhận xét rằng dấu hiệu trên cho thấy "các nhà đầu tư đang đổ xô vào sự an toàn tương đối của Bitcoin" .
Một số nhà đầu tư đã giảm rót vốn vào các tài sản nhiều rủi ro, bao gồm cả tiền số, khi thị trường tài chính rung lắc theo mức lạm phát cao liên tục, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất và lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng.
Các quỹ Ethereum tiếp tục nối dài chuỗi tiêu cực khi đánh dấu 9 tuần liên tiếp không có dòng tiền đổ vào. Các nhà đầu tư đã rút ra 32 triệu USD từ các quỹ quản lý tiền số lớn thứ hai này. Lũy kế từ đầu năm đến nay, con số rút ra này lên đến 357 triệu USD....
Xét theo địa lý, dòng tiền trên thị trường thay đổi chủ yếu đến từ châu Mỹ với 88 triệu USD vào tuần trước. Trong khi đó, các quỹ niêm yết ở châu Âu chỉ ghi nhận vốn đầu tư 11 triệu USD trong cùng thời điểm.
Tom Dunleavy, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Messari, cho rằng Bitcoin vẫn "bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường kinh tế vĩ mô". Theo ông, phần lớn do chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện nay. Mối quan hệ trên đã khiến các nhà giao dịch và nhà đầu tư tập trung vào các sự kiện kinh tế của Mỹ khi xem xét giao dịch tài sản số. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ và nhiều nước tìm cách xây dựng thể chế cho thị trường tiền số và tăng tính kiểm soát, CEO Bank of America Brian - T. Moniyhan cho rằng các tổ chức tài chính lớn được quản lý chặt chẽ có thể phần nào thay đổi quan điểm và cởi mở hơn với việc rót vốn vào nó.
Sau khi nhận thấy nhu cầu của nhà đầu tư và khối lượng giao dịch tăng gần đây, Mark Newton - nhà phân tích kỹ thuật của Fundstrat - cho rằng Bitcoin có thể đã tìm thấy đáy trong ngắn hạn, mặc dù thắt chặt tiền tệ sẽ khiến các nhà đầu tư thận trọng. Theo đó, thị giá của tiền số lớn nhất thế giới có thể đạt 37.000-39.700 USD trong tháng này.
Nhưng với động thái cắt giảm việc làm gần đây tại Coinbase, Gemini và Robinhood - các đơn vị giao dịch tiền số lớn - ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số dường như đang chuẩn bị cho "mùa đông" lạnh lẽo. Nhiều sàn giao dịch lên kế hoạch cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động trong giai đoạn thị trường xuống giá kéo dài.