Zero 9 không phải là trường hợp đầu tiên đi theo mô hình boygroup Hàn Quốc và hứng về “rổ gạch đá” ở Việt Nam. Trước đây, Vpop từng chứng kiến 365daband - dự án đình đám của “bà bầu” Ngô Thanh Vân được đầu tư tiền tỷ, vẫn “hốt về” hàng dài những dư luận trái chiều, chỉ trích nặng nề khi cho rằng nhóm “sao y bản chính” chương trình thực tế và mô hình đào tạo của 2PM.
Từ hình tượng “dã thú” cho đến cách phân bổ vị trí, vai trò, thậm chí cách xếp đội hình, giao tiếp với truyền thông - kiểu gập người 90 độ để chào, hay đồng thanh gọi tên nhóm kèm động tác tay đặc trưng, đều bị đông đảo khán giả, đặc biệt là các Hottest - fandom của 2PM, phản đối mạnh mẽ.
Cả câu chuyện Will rời khỏi nhóm trong nước mắt, cũng là “sản phẩm” của dàn dựng vụng về, như đoạn… mô phỏng, phiên bản rút ngắn của sự kiện đình đám Jay Park rời khỏi khiến khán giả thêm phẫn nộ.
Và lần này, Tăng Nhật Tuệ đang đi theo cách làm đầy rẫy thị phi như những “người tiền nhiệm” từng hứng chịu “trái đắng”. Trước hết là sự can đảm, khi biết trước sẽ nhận về nhiều dư luận trái chiều, nhưng “ông bầu” này vẫn kiên định với con đường đã chọn, vẫn cho ra mắt Zero 9 sau 2 năm ấp ủ.
Sở dĩ các nhóm nhạc Việt vấp phải phản ứng dữ dội khi ra mắt, là vì hai lý do. Thứ nhất, thị trường nhạc Việt không phải là môi trường tốt cho mô hình nhóm. Nếu ở Hàn Quốc, mạnh nhất là Big3 gồm 3 “ông lớn”: SM, JYP và YG, hàng năm đổ hàng nghìn dollar để đào tạo và cho ra mắt một nhóm nhạc “thành phẩm”, thì Việt Nam không có. Hoạt động giải trí, nghệ thuật của Vbiz đa phần nhỏ lẻ, tự phát và… tự thân vận động: Các nghệ sĩ cùng lắm là có thêm quản lý, và đều phải đi “thu nhặt” từng bộ phận liên quan khác từ nhạc sĩ, producer, trợ lý, makeup, chụp ảnh… để hoàn thành một sản phẩm.
Showbiz Việt không có sự… tổng tấn công cho mỗi lần trình làng hay tái xuất của nghệ sĩ. Vì thế, các sản phẩm ra mắt: dù là một nhóm nhạc, nghệ sĩ mới hay ca khúc, MV mới thì cũng không đủ hậu thuẫn để đảm bảo thành công, mà đa phần đều rất… hên xui - hên thì được truyền thông yêu mến, xui thì… như trường hợp của Zero 9!
Lý do này dẫn đến những cố gắng nửa vời, khi điều kiện không cho phép cả về nội tại - khả năng đào tạo, cho ra mắt một nhóm nhạc “chất” đến ngoại cảnh - môi trường hoạt động thiếu tiềm năng, kết nối.
Sự không đồng đều trong làng giải trí Việt: các tập đoàn giải trí chưa có, truyền thông chưa phát huy vai trò, và khán giả không sẵn lòng ủng hộ, bỏ tiền mua các sản phẩm mới - dẫn đến việc người làm nghệ thuật dễ “điêu đứng”, muốn tiếp thu cái mới cũng không có điều kiện, nhưng làm theo nếp cũ thì sẽ không đi được đường dài.
Zero 9 đã “học hỏi” các nhóm nhạc nam Hàn Quốc từ phong cách cho đến chất nhạc, từ thần thái cho đến từng hành vi, cử chỉ. Thế nhưng, những bắt chước nửa vời, chỉ là “phần ngọn” của câu chuyện vốn không có nền tảng vững vàng, hậu thuận khổng lồ như các mô hình Hàn Quốc khiến các chàng trai trẻ rơi ngay vào nao núng và tâm bão dư luận. Người ta thấy hao hao bóng dáng boygroup Hàn nào đó, cho đến khi họ cất tiếng chào và hát, nhảy thì… mọi thứ vỡ mộng: Vẫn chỉ là nhóm nhạc Việt non trẻ, mặc nhầm chiếc áo không dành cho mình mà vớt vát lắm, vẫn không thể miễn cưỡng ủng hộ.
Đi sau những mô hình đã thành công rực rỡ, Zero 9 đối diện với những ồn ào, tranh cãi, nhưng đến cùng, khán giả cũng mong “đường xa mới biết sức ngựa” - muốn nhìn thấy những sản phẩm âm nhạc thuyết phục hơn của Zero 9 trong tương lai.
Bởi lẽ, nghệ sĩ có ồn ào vô tình hay dụng công PR, thì điều quan trọng nhất để trụ lại trong làng nhạc, và trụ vững trong lòng khán giả, vẫn là thực tài, là những sản phẩm tiếp theo.