Tháng năm rực rỡ là tác phẩm đang nhận nhiều chú ý thời gian gần đây, phim do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện, remake từ nguyên tác điện ảnh Hàn Quốc mang tên Sunny. Bộ phim quy tụ hàng loạt gương mặt nổi bật như Thanh Hằng, Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên, Hoàng Yến Chibi, Khổng Tú Quỳnh, Jun Vũ, Hoàng Oanh,…
Trailer phim.
Lấy bối cảnh là hai mốc thời gian - năm 1975 và năm 2000, Tháng năm rực rỡ bắt đầu bằng cuộc gặp lại giữa trưởng nhóm Ngựa Hoang - chị đại Mỹ Dung (Thanh Hằng thủ vai) và Hiểu Phương (Hồng Ánh đóng). Từ đó, họ tìm kiếm các mảnh ghép thất lạc của Ngựa Hoang, và một lần nữa sống lại những tháng năm tuổi trẻ rực rỡ.
Đầu tư chỉn chu, công phu về mặt hình ảnh, Tháng năm rực rỡ như được gói gọn trong một Đà Lạt mộng mơ, cũ kỹ những năm 1975, với quán café cùng những bản nhạc rock du nhập của văn hóa phương Tây, quán ăn ven đường hay hãng phim tư nhân,… Đời sống trường lớp cũng như đưa người xem trở về thời điểm hơn 40 năm trước, khi cô giáo dạy Văn đọc thơ Hàn Mặc Tử: “Mơ khách đường xa khách đường xa”…
Tuy nhiên, mới đây, Tháng năm rực rỡ nhận không ít ý kiến trái chiều. Trong đó, một số người xem cho rằng bộ phim đã đưa hình ảnh sai lệch về nữ sinh Đà Lạt những năm 1975. Cụ thể, nhóm nữ quái Ngựa Hoang và một số nhóm học sinh trong lớp đã có các hành động như: hút thuốc, uống rượu, hù dọa cô giáo, đánh bạn trong lớp, hẹn bạn ra rừng thông đánh nhau, lột đồ bạn,…
Theo ý kiến của một số khán giả, dù các vấn nạn học đường này có xảy ra trong thực tế ở thời hiện đại, thì đối với những nữ sinh Đà Lạt trước năm 1975, hàng loạt hành động này là khó chấp nhận. Việc nữ quái Ngựa Hoang uống rượu, hẹn bạn ra rừng thông đánh nhau, hay một số nữ sinh hút thuốc, xì ke, lột đồ bạn,… ở Tháng năm rực rỡ khiến không ít người xem hoang mang: “Chân dung nữ sinh ở ngôi trường tốt nhất Đà Lạt năm 1974, 1975 có thực sự như thế này?”.
Bên cạnh những ý kiến coi đây là hạt sạn trong Tháng năm rực rỡ, thì không ít khán giả đưa ra dẫn chứng cho rằng các vấn nạn này có thể xảy ra ở bất cứ thời đại nào, môi trường nào: “Tùy vào môi trường nào thì mức độ được phanh phui sẽ khác nhau. Ngoan và chưa hề có khái niệm về những vấn nạn này thì cũng có, mà tệ hơn thì cũng có, huống hồ, phim kể về một trường “tư sản”. Mặt khác, trước năm 1975, tầng lớp giàu có ở miền Nam cũng có tư tưởng và độ ăn chơi không kém ai đâu”.
Bên cạnh đó, một số khán giả khác cũng lên tiếng bênh vực bộ phim, khi ngay từ cái tên nữ quái Ngựa Hoang, nhóm bạn trong Tháng năm rực rỡ đã thể hiện sự quậy phá, không hề ngoan hiền so với nữ sinh khác. Đây cũng là lý do sau 25 năm xa cách, cô giáo dạy Văn thuở nhỏ vẫn còn như in ấn tượng về nhóm nữ quái này.
Những nghịch ngợm, quậy phá tuổi trẻ đã gắn kết các cô gái trong Ngựa Hoang, và khiến thanh xuân của họ đáng nhớ và rực rỡ hơn khi được cháy hết mình, như nhân vật Tuyết Anh (Jun Vũ thủ vai) tâm niệm: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhiều người hâm mộ Tháng năm rực rỡ để lại bình luận hài hước: “Cứ ngoan hiền thời đi học đi, rồi sẽ chẳng có bộ phim nào viết về mình đâu!”.
Nghệ thuật luôn mang mối liên hệ với đời sống thật, có không ít tác phẩm đi vào lòng người bởi giá trị hiện thực, nhưng cũng có nhiều câu chuyện, bộ phim phóng đại, mượn chất liệu phi thực tế để tạo nên ý nghĩa nhân văn. Không ít phim học đường từ nước ngoài như Vườn sao băng, Người thừa kế, đến phim trong nước như Em chưa 18 dù thành công về mặt doanh thu, truyền thông, nhưng vẫn gây ý kiến trái chiều khi quá xa rời hình ảnh đại đa số học sinh trong đời thật.
Sử dụng bối cảnh năm 1975 và năm 2000 để tạo màu sắc hoài niệm, hợp lý hóa tình huống truyện, Tháng năm rực rỡ lại vô tình tạo sạn khi gây hoang mang về hình ảnh nữ sinh Đà Lạt xưa. Tuy nhiên, với sự đầu tư chỉn chu, ý thức lồng ghép màu sắc Việt Nam vào một bộ phim remake, phim vẫn là tác phẩm đáng để xem, đáng để bàn luận. Và đôi khi, chính tính đa chiều ở cảm nhận khán giả tạo nên sức hấp dẫn trong bộ phim.