Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Sống chung với mẹ chồng' và lỗi lầm đáng tiếc duy nhất!

Hay ho và thu hút là thế nhưng 'Sống chung với mẹ chồng' vẫn khiến khán giả ức chế khi kết thúc.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là một đề tài quen thuộc nhưng không bao giờ nhàm chán hay cũ kỹ vì ở mỗi thời kỳ trong mỗi gia đình đều có vấn đề riêng, đặc biệt sự khác biệt giữa các thế hệ cũng là một chủ đề nói mãi không hết. Bộ phim Sống chung với mẹ chồng khi bắt đầu đã đặt ra rất nhiều cao trào, tình tiết đắt giá cộng với diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên đã cuốn hút khán giả đi theo câu chuyện của Vân và gia đình nhà chồng.

Mở đầu là cuộc sống của nàng dâu hiện đại cá tính Minh Vân trong gia đình nhà chồng có một bà mẹ chồngquá ghê gớm. Người xem thích thú với cuộc đấu tay đôi của hai nhân vật đại diện cho không ít câu chuyện vẫn đang diễn ra hàng ngày của người phụ nữ.

Câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu qua bao năm vẫn luôn mới.

Tuy nhiên người xem muốn được biết các nhân vật sẽ giải quyết câu chuyện như thế nào; quá trình họ hoàn thiện, thay đổi, đấu tranh, va chạm với các nhân vật khác như thế nào để trở nên tốt hơn. Cái khó của biên kịch là dẫn dắt khán giả đi từ đầu phim đến cuối phim, làm sao để mở đầu hay mà kết thúc trọn vẹn. Việc đầu voi đuôi chuột là lỗi lớn nhất trong quá trình xây dựng kịch bản. Khán giả muốn có 1 cái kết đẹp nhưng phải có tính logic và giải quyết được sự bức xúc của bản thân họ.

Tuy nhiên, có vẻ, đây vẫn là điểm yếu của các nhà biên kịch Việt. Dù rằng 2/3 thời lượng phim rất thu hút tuy nhiên Sống chung với mẹ chồng bị đánh giá là có kết thúc quá vội vàng, thậm chí nhạt nhẽo. Thực sự Vân ra khỏi nhà Thanh và đi tìm hạnh phúc mới cũng là 1 cách giải quyết, tuy nhiên đó giống như một sự trốn tránh thì đúng hơn.

Vân ra đi chỉ là trốn chạy, vậy có còn là: Sống chung với mẹ chồng.

Vân vượt qua mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu bằng cách nào Bà Phương có thay đổi như thế nào trong cuộc chiến với con dâu cũ mới là điều khiến khán giả thích thú. Nhưng thực tế, bà Phương chỉ cảm thấy tiếc nuối Vân khi bà gặp phải một cô con dâu tai quái hơn. Trong trường hợp Diệp là cô con dâu hiền lành, nhút nhát, dễ bảo, liệu bà Phương có thay đổi, hay bà sẽ cho rằng những điều bà đối xử với Vân là đúng.

2/3 bộ phim biên kịch đã đẩy mâu thuẫn trong gia đình bà Phương đi đến cao trào nhất. Tuy nhiên sau đó, thay vì giải quyết những khác biệt trong cách suy nghĩ giữa 2 thế hệ, họ lại tìm 1 lối thoát cho Vân trốn chạy. Đồng thời không hề giải quyết những mâu thuẫn đã bày ra trước đó. Nhân vật Sơn xuất hiện hoàn hảo không có một nét sai là một điều khó xảy ra với thực tế, hoặc nghĩ 1 cách khác vào cái lúc mà Vân bức bối, quẫn trí như vậy thì ai cũng sẽ hoàn hảo hơn Thanh. Vậy thì khán giả đổ xô đi thích Sơn là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Và thay vì giải quyết những nút thắt từ tập trước, biên kịch cho bà Phương - bà mẹ chồng tai quái thắng giòn giã, Vân phải xách hành lý ra khỏi nhà. Biên kịch lại phải vẽ thêm câu chuyện tình yêu ngôn tình giữa Sơn và Vân, vẽ thêm 1 bà mẹ chồng hoàn hảo để đối lập với bà Phương.

Sơn xuất hiện khiến cho đời Vân thêm hồng nhưng chuyện tình cảm lại khắc họa quá nhạt.

Nhiều khán giả cho rằng, có lẽ nhà sản xuất sợ làm phim dài tập nên kết thúc một cách vội vàng, đứt mạch. Thậm chí, cái kết thúc này hoàn toàn không liên quan đến tên phim Sống chung với mẹ chồng. Bởi vì kết quả là sau một thời gian sống chung nàng dâu chạy mất hút chứ không dám đối mặt với vấn đề. Cuối cùng sau khi Vân ra khỏi nhà, câu chuyện hoàn toàn mất đi sức hút ban đầu mà chỉ có những khóc lóc, Vân khóc, Thanh khóc, Sơn khóc đến hết bộ phim. Bởi lúc đó, mâu thuẫn lớn nhất đã bị giải quyết, bộ phim rơi vào tình trạng nếu phát triển thêm mâu thuẫn thì sẽ phải thêm thời lượng vì vậy cần có nhân vật sớm “thức tỉnh” để còn đi đến cái kết.

Ngoài ra, cách giải quyết nhân vật Diệp vô cùng sơ sài. Nhân vật Diệp giống như một “quả báo” đến với bà Phương, cô nàng hội tụ đủ mọi tính xấu của một cô con dâu bà Phương ghét nhất, nhưng lại khiến khán giả yêu thích vì cuối cùng cũng xuất hiện một nhân vật có thể “chiến đấu” lại bà mẹ chồng tai quái nhất “vịnh Bắc Bộ”. Thế nhưng, biên kịch xây dựng một nhân vật hay ho như vậy, để cho cô ta phạm hết lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, rồi cuối cùng kết thúc cũng lại là đẩy cô ta ra khỏi nhà, “đi cho khuất mắt”, khuất mắt bà Phương, khuất mắt khán giả. Đó là cách để giải quyết mâu thuẫn sao? Chỉ là cho vợ chồng Thanh ra ở riêng và nói rằng đừng quan tâm nữa.

Câu chuyện của bà Phương và Diệp có thể làm thành phần 2!

Trong bộ phim này, vấn đề có lẽ sẽ nằm ở phía bà Phương. Mâu thuẫn của bà Phương và Vân phần nhiều đến từ việc Vân không muốn sinh con ngay còn bà Phương thì khát khao có cháu bế bồng. Chính vì vậy họ thường xuyên cãi cọ dẫn đến không vừa mắt nhau. Nhưng về phía Diệp, ngay từ khi bước chân vào nhà Thanh cô đã có lợi thế là đứa cháu đích tôn đáng quý. Nếu như biên kịch Sống chung với mẹ chồng có thể dựa vào “nhân tố ít xuất hiện này” để hóa giải mối hận thù giữa Diệp và và Phương thì câu chuyện sẽ nhân văn hơn, sự phát triển của nhân vật Phương sẽ logic hơn. Khi đó bà Phương sẵn sàng thay đổi tính nết, sẵn sàng chấp nhận con dâu mới tất cả là vì lợi ích của đứa cháu nội. Sự phát triển tình tiết như vậy hợp lý hơn việc để Diệp vẫn ngông cuồng, sống buông thả nhưng lại đẩy Thanh đi xử lý cô.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tường Vy

Được quan tâm

Tin mới nhất