Mặc cho sự thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu của hai tác phẩm Creed và Straight Outta Compton - đều có diễn viên chính là người da màu - có vẻ như Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ vẫn khá thờ ơ với màn trình diễn này. Bằng chứng là, năm thứ hai liên tiếp, 20 đề cử cho 4 hạng mục quan trọng bao gồm nam nữ chính và nam nữ phụ xuất sắc nhất đều không có bất cứ một ứng viên da màu nào.
Ngay cả Straight Outta Compton - bộ phim về nhóm rap N.W.A gây tiếng vang vào mùa thu vừa qua cũng chỉ giành được một đề cử kịch bản xuất sắc nhất. Trong khi đó, Viện hàn lâm vừa nỗ lực làm đa dạng hóa thành phần hội viên của mình bằng cách kết nạp thêm 322 thành viên mới vào tháng Bảy năm 2015, gia tăng số lượng các thành viên nữ và các nhóm dân tộc thiểu số. Chủ tịch Viện - bà Cheryl Boone Isaacs (người Mỹ gốc Phi) - hy vọng rằng với khoảng 8000 hội viên đa chủng tộc, quốc tịch, giới tính và độ tuổi như vậy, kết quả lựa chọn của Oscar sẽ chính xác và mở rộng hơn. Tuy nhiên, dường như người da màu vẫn chưa bao giờ có lợi thế cân bằng với người da trắng trong “cuộc chiến” tại Hollywood.
Đây rõ ràng là điều khó hiểu khi năm nay, chúng ta cũng có không ít ứng viên da màu xuất sắc. Michael B. Jordan trong Creed, Will Smith của Concussion, Samuel L. Jackson với The Hateful Eight và sự xuất thần của Benicio Del Toro trong Sicario, thậm chí hai phụ nữ chuyển giới Mya Taylor và Kitana Kiki Rodriguez trong Tangerine đều nên có cơ hội được vinh danh tại giải thưởng cao quý bậc nhất hành tinh này.
Phải mất gần 30 năm kể từ khi giải Oscar đầu tiên được trao năm 1929, chúng ta mới có đề cử dành cho người da màu. Và 60 năm kể từ dấu mốc đó, số lượng diễn viên da màu được đề cử và đoạt giải Oscar hoàn toàn bị áp đảo bởi các đồng nghiệp da trắng. Tuy rằng đó đây vẫn có những bất ngờ như đề cử Oscar dành cho những diễn viên mới toanh như Lupita Nyong'o (12 Years a Slave) hay Barkhad Abdi (Captain Phillips) thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, con đường để chạm tay vào tượng vàng của các diễn viên da màu vẫn vô cùng gian nan.
Với loạt đề cử gây tranh cãi kể trên, 2016 chắc chắn vẫn là một năm mà Viện hàn lâm bị “gạch đá” dữ dội và hashtag #OscarsSoWhite tiếp tục được lan truyền rộng rãi.