Phim Ảnh

Giải mã sức hấp dẫn của series càn quét Quả Cầu Vàng 2016 -  'Mr. Robot'

Chia sẻ

Nhức nhối vấn đề của thời đại, nam chính xuất sắc, kịch bản được chuẩn bị dài hơi...là ba trong số nhiều lí do khiến "Mr. Robot" là series truyền hình bạn không thể bỏ qua.

Ra mắt âm thầm nhưng Mr. Robot sớm trở thành một hiện tượng trên toàn nước Mỹ. 10 tập phim về anh chàng lập trình viên trẻ “sống ảo” (do Rami Malek vào vai) đã nhanh chóng chinh phục người xem với con số hi hữu gần 100% đánh giá tích cực từ trang bình phim Rotten Tomatoes.

Càn quét các hạng mục của Quả Cầu Vàng 2016, Mr. Robot là niềm tự hào của truyền hình Mỹ. Trong bối cảnh Mad Men tạm biệt người xem, Game of Thrones vẫn dấy lên những tranh cãi, và True Detective mùa 2 “xuống sắc”, Mr. Robot là cái tên mới đầy tiềm năng sẽ đứng trong hàng ngũ những “lão đại” của phim truyền hình.

Dưới đây là những lý do mà bạn không thể không yêu Mr. Robot và anh chàng Elliot:

“Đẹp từng centimet”

"Mr. Robot" đẹp và trọn vẹn cảm xúc

Mr. Robot đẹp và trọn vẹn cảm xúc

Không phải cứ nhất thiết quay phim về núi non phong cảnh thì mới cho ra một tác phẩm đẹp. Mr. Robot đốn hạ trái tim người xem bằng một New York hiện đại, trẻ trung, thậm chí cả những khu ổ chuột hay một công viên cũ cũng có nét hoài cổ của riêng nó trong từng khung hình trau chuốt.

Tập pilot của Mr. Robot được đạo diễn bởi Niels Arden Oplev, người từng thành công với Girl With a Dragon Tattoo (Cô gái có hình xăm rồng) phiên bản Thuỵ Điển. Phong cách của Niels chịu ảnh hưởng của David Fincher, với thứ ngôn ngữ điện ảnh sắc nét gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho người xem, đã được 9 tập phim sau kế thừa.

Âm hưởng mạnh mẽ của David Fincher

ngocking2

Được coi là phiên bản khác của Fight Club nhưng Mr. Robot vẫn có những cách tân đáng kể.

Nội dung của mùa 1 Mr. Robot được coi như một phiên bản cập nhật thời đại của Fight Club, còn về mặt âm thanh thì cũng đúng “chuẩn” David Fincher khi nhạc phim gợi nhắc về cặp đôi soạn nhạc Trent Reznor và Atticus Ross từng hợp tác trong 3 bom tấn của vị đạo diễn này.

Trong khi theo đuổi bầu không khí trong các tác phẩm điện ảnh dán nhãn David Fincher, Mr. Robot đã nâng tầm nhạc phim của một series truyền hình ngang với chất lượng của các phim điện ảnh. Có thể nói, với Mr. Robot, nhà soạn nhạc Mac Quayle đã tạo ra một cuộc cách mạng về âm thanh trong dòng phim truyền hình.

Thấm đượm hơi thở thời đại

"Mr. Robot" hấp dẫn người xem một phần nhờ tính hiện thực trong từng tập phim.

Mr. Robot hấp dẫn người xem một phần nhờ tính hiện thực trong từng tập phim.

Trong khi nhiều show truyền hình cố gắng kéo người xem rời xa thực tại bằng những thế giới viễn tưởng, thì Mr. Robot chỉ bằng cách phản ánh một phần thiểu số những kẻ lập trình cũng đủ để khái quát những vấn đề nóng của thời đại. Trong khi tập đầu tiên gợi nhắc những biểu tượng như Bill Cosby hay Tom Brady, thì Mr. Robot đóng lại với cuộc hủng hoảng nợ công Hy Lạp. Phản ánh sự bất bình đẳng trong xã hội, thứ mà nước Mỹ đang nhức nhối, Mr. Robot không ngạc nhiên khi được lòng xứ cờ hoa.

Những cái kết “chuyện đó có ai ngờ”

ngocking4

“Đặc sản” của phim là những đoạn kết đầy bất ngờ.

Càng hiện đại, con người càng trở nên khó lường và như đánh đố trí óc người xem, Mr. Robot luôn có những cái kết bất ngờ (plot twist). Ngay cả khi bạn đã manh nha đoán được điều gì diễn ra tiếp theo, thì series truyền hình này vẫn có cách khiến bạn phải há hốc miệng, như những gì đã xảy ra trong phần cuối tập 8. Cám ơn đạo diễn Esmail và kịch bản tài tình của ông.

Chào mừng đã quay trở lại, Christian Slater

Nam diễn viên Christian Staler đã có một trong những vai thành công nhất trong sự nghiệp với "Mr. Robot".

Nam diễn viên Christian Slater đã có một trong những vai thành công nhất trong sự nghiệp với Mr. Robot.

Thẳng thắn mà nói, Christian Slater chưa bao giờ được nhìn nhận như một ngôi sao lớn. Ngay cả sau thành công của những Heathers hay True Romance là cả một quãng thời gian trượt dài của anh với những dự án phim thiếu chọn lọc và đời tư nheo nhóc. Tuy nhiên, Christian Slater xuất hiện trong Mr. Robot là một người đàn ông khôn ngoan và từng trải. Vai diễn Mr. Robot là điểm sáng trong sự nghiệp của Slater và là nhân vật mà bất cứ ai yêu quý diễn viên này đều không thể bỏ qua.

Nói “xin chào” với Rami Malek

Rami Malek chinh phục khán giả với vai diễn thanh niên "sống ảo" của mình.

Rami Malek chinh phục khán giả với vai diễn thanh niên “sống ảo” của mình.

Năm 2010, Rami Malek được thế giới biết tới bằng The Pacific, series truyền hình được sản xuất bởi bộ đôi Steven Spielberg và Tom Hanks sau thành công của Bands of Brothers. Kể từ đó, chàng trai trẻ bận rộn với nhiều dự án lớn nhỏ từ màn ảnh rộng tới lĩnh vực truyền hình, nhưng không có vai diễn nào để lại dấu ấn trong sự nghiệp như Elliot trong Mr. Robot. Thông minh, hấp dẫn, dễ bị tổn thương, nhân vật của Rami Malek là độc nhất vô nhị.

Các bóng hồng nổi bật

Hình ảnh các chị em trong "Mr. Robot" cũng được phức tạp không kém gì cánh mày râu.

Hình ảnh các chị em trong Mr. Robot cũng được phức tạp không kém gì cánh mày râu.

Màn ảnh rộng vốn chứng kiến sự áp đảo của hình tượng nam giới so với các tác phẩm khai thác hình ảnh phụ nữ. Tuy nhiên, ngay trong mảng truyền hình vốn cân bằng hơn, đôi khi các series cũng “quên” không trao vị trí xứng đáng cho phái yếu. Điều như vậy đã không xảy ra trong Mr. Robot, khi những Darlene (Carly Chaikin) hay Angela (Portia Doubleday) đều là những chất liệu không thể thiếu làm nên thành công của nội dung đầy bất ngờ trong phim.

Phe phản diện độc ác một cách “vô lý đến chân thực”

Thật khó để đồng cảm với sự điên của Tyrell Wellick nhưng không khó để tin rằng có những Tyrell Wellick đang hoành hành ngoài xã hội.

Thật khó để đồng cảm với sự điên của Tyrell Wellick nhưng không khó để tin rằng có những Tyrell Wellick đang hoành hành ngoài xã hội.

Mặc dù những gì xảy ra trong Mr. Robot là hư cấu, nhưng có lẽ từ cách xây dựng dựa trên chất liệu hiện thực, hay cách xây dựng kịch bản của Esmail khiến các khía cạnh viễn tưởng của series lại khiến người xem đặt niềm tin vào đó. Phía phản diện, Tyrell Wellick - kẻ rối loạn nhân cách trút mọi sự căm ghét lên người vô gia cư - đáng lẽ sẽ không khiến người ta đồng cảm vì đơn giản chứng điên của gã đã vượt quá giới hạn để cảm thông.

Thế nhưng ở Tyrell vẫn có gì đó khiến người xem hiểu được nguồn cơn những tội ác của gã, kể cả khi chúng đã đạt tới “trình điên” của Patrick Bateman trong American Psycho.

Một kịch bản được lên lịch rõ ràng

Không giống như True Detective thành công được một mùa rồi chìm luôn từ đó, Mr. Robot có rất ít khả năng bị “xịt” sau mùa 1 đơn giản vì đạo diễn/ biên kịch Sam Esmail đã chuẩn bị kĩ càng cho một cuộc đua dài hơi. Đầu tiên, Esmail viết ra kịch bản của Mr. Robot như một bộ phim điện ảnh, nhưng rồi nhận thấy mạch phim quá dài và có tiềm năng mở rộng thêm, anh đã cắt 1/3 thời lượng bộ phim để phát triển thành mùa 1 của Mr. Robot.

Điều này có nghĩa là người xem đỡ phải lo lắng về một series kiểu Lost, càng về sau càng đuối. Mr. Robot mùa 2 và những mùa sau rất có thể sẽ vẫn giữ nguyên phong độ của một series gay cấn, thông minh và bất ngờ.

Chia sẻ
Tin mới nhất