Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Goku ơi, hãy luôn bên cạnh tớ nhé!

Hãy cùng thành thật một chút: Những ai từng có tuổi thơ gắn liền với loạt truyện “Bảy Viên Ngọc Rồng”, hẳn không dưới một lần len lén co tay thành chưởng và tập bắn “Kamejoko”đúng không.

Thực ra, cái tuyệt chiêu chưởng pháp độc đáo đó của Quy Lão Tiên Sinh vốn có tên “cha mẹ đặt” là Kamehameha, được đặt theo tên một vị vua cổ của Hawaii. Nhưng cũng chung số phận với những cái tên nhân vật được Việt hóa khác, rất kì quặc và ngộ nghĩnh như Ca-đíc (Vegeta), Pic - Poc (Số 17 - Số 18), Xên Bọ Hung,…; Kamehamera theo chân Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng du nhập đến Việt Nam với một cái tên thân thương dễ nhớ hơn, trở thành “Canh-Me-Tô-Cơm” trong ký ức của nhiều thế hệ 8x-9x.

“Bảy Viên Ngọc Rồng” là tuổi thơ của thế hệ 8x-9x.

Bản thân bộ truyện cũng có tựa Việt hóa là Bảy Viên Ngọc Rồng, dù càng về sau thì số lượng Ngọc rồng không còn dừng lại ở con số 7. Từ một bộ truyện tranh chiến đấu điển hình, Dragon Ball dần trở thành một siêu phẩm, và siêu phẩm ấy lại trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của những độc giả trung thành, rực rỡ sắc màu của niềm vui và lòng dũng cảm.

Thương hiệu của một đời người

Và như một fan truyện tranh Nhật Bản chân chính (hay chỉ là fan phong trào và tự huyễn hoặc mình là fan chân chính), tôi đến nay vẫn phát cuồng với tất cả những gì liên quan đến Dragon Ball: từ truyện tranh fan vẽ, đồ chơi, game, cho đến các series truyền hình mang mác “hậu truyện”. Thế mới biết hiếm có mangaka (tác giả truyện tranh) nào có sự nghiệp viên mãn như Toriyama Akira - sensei: Sáng tác một bộ truyện từ cách đây hơn 30 năm (1984) vậy mà cho đến nay sức sống mãnh liệt của nó trong lòng độc giả vẫn như những ngày đầu.

Chân dung của tác giả Toriyama Akira.

Ở thời hoàng kim của mình, tác giả của Dragon Ball còn được biết đến như một trong những cây bút tiềm năng của Tạp chí Thiếu niên Shonen Jump, với bộ truyện đến ngày nay vẫn được người đọc yêu thích Dr. Slump (1980 - 1984).

Dù vậy, đến khi Toriyama cho ra mắt tập đầu tiên của Dragon Ball, mọi sự ưu ái từ phía Shounen Jump đều đổ dồn cho bộ truyện tranh chiến đấu đầy mới mẻ này, dẫn đến việc Dr. Slump đã bị ngừng sản xuất. Ở cái thời truyện tranh châu Á chỉ xoay quanh vấn đề gia đình cùng những khung tranh hài hước, Dragon Ball mang đến một làn gió mới vừa vui tươi vừa nam tính, không những thế cốt truyện luôn thay đổi và mang tính mê hoặc cao. Đồng thời, yếu tố tình bạn, gia đình cũng được đề cao trong mỗi chương truyện.

Bìa truyện tập đầu tiên của “Dragon Ball”.

Bảy Viên Ngọc Rồng cũng là câu chuyện về tinh thần chiến đấu bất khuất và sự nỗ lực không ngừng. Nhân vật chính Son Goku cùng bạn bè luôn phải đối đầu với những kẻ thù mới ngày một mạnh hơn, chỉ nhờ rèn luyện hết mình, họ mới có thể vượt qua chúng. Sau mỗi cuộc hành trình mới của Khỉ Con là một lần cậu ta thêm chững chạc, chín chắn, song song với đó là hành trình trưởng thành của các độc giả thân thương.

Nhờ những giá trị nhân bản được đề cao, tác phẩm từ đó cũng trở thành chuẩn mực mới cho dòng truyện chiến đấu của thiếu niên Nhật Bản. Chẳng những thế hàng loạt tác giả của các bộ truyện nổi tiếng ngày nay như One Piece, One-Punch Man, Gintama,… đều thừa nhận rằng mình từng là fan cuồng của Bảy Viên Ngọc Rồng, và không ít lần lấy bộ truyện huyền thoại làm nguồn cảm hứng vô tận. Có thể nói, Dragon Ball chính là một người đàn anh đi đầu, luôn cầm đuốc sáng để dẫn lối cho cả thế hệ đàn em tiếp theo. Nhiều người trong số đó đã trở thành những tác giả danh tiếng, tiếp tục con đường sáng tác ra những cuốn truyện tuyệt vời.

“Bảy Viên Ngọc Rồng” truyền cảm hứng cho nhiều tựa truyện sau này

Thật không ngoa khi nói rằng Bảy Viên Ngọc Rồng là thành tựu để đời của Toriyama Akira. Sau ngày bộ truyện tranh đình đám kết thúc mang đến bao tiếc nuối cho hàng triệu thế hệ fan, cơn sốt dành cho Bảy Viên Ngọc Rồng đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đều đặn hàng năm, bất kỳ một hội chợ truyện tranh nào trên khắp thế giới đều có không dưới 3 - 4 cosplayer hóa thân thành những Son Goku, Vegeta, Quy Lão,… Kéo theo đó là những dòng game chiến đấu phóng tác từ thương hiệu truyện tranh lừng danh, mang về cho Toriyama khối tài sản kếch xù dẫu ông đã gần như “gác bút”.

Một tuổi thơ dữ dội, theo đúng nghĩa đen:

Có nhiều khi tôi lại nghĩ, thế hệ ngày nay khi lớn lên, họ sẽ ôn lại được gì khi nhắc về những kỷ niệm tuổi thơ ngoại trừ smartphone và Internet? Riêng tuổi thơ của thế hệ 8x-9x chúng tôi, đó là máy điện tử thẻ, là mì gói trẻ em 1000 đồng, là bao nhiêu quyển truyện ly kỳ trong đó có cả Bảy Viên Ngọc Rồng. Hồi đó, nhà ai cũng chỉ có một chiếc TV với ngần ấy các chương trình thiếu nhi lặp đi lặp lại, và có lẽ chỉ mỗi Kim Đồng là nhà phát hành truyện có thể xem như “tử tế” nhất. Các nhân vật trong Bảy Viên Ngọc Rồng đều có tên Việt hóa riêng cho dễ nhớ, nội dung cũng được chỉnh sửa để phù hợp đối tượng thiếu nhi. Những chi tiết ấy vẫn luôn in sâu trong trí nhớ mấy đứa nhóc như tôi rằng: “Quào, truyện đánh nhau đã quá bây!” (Người viết thực sự đã thốt lên câu này)

Nhắc đến “Bảy Viên Ngọc Rồng” là nhắc đến cả một bầu trời ký ức.

Không biết các bạn có nhớ không, nhưng hồi nhỏ khi chơi đánh trận giả, con nít trong khu phố đều có “theme” (chủ đề) mỗi trận rõ ràng. Có lúc thì là 5 Anh Em Siêu Nhân (cũng là một góc tuổi thơ đáng nhớ), có khi lại là Bảy Viên Ngọc Rồng. Gần như đứa nào cũng trên dưới trăm lần cố dồn tay chưởng “Kamehameha”, hoặc vừa nắm chặt tay, mặt nhăn nhó trong lúc gồng mình dữ dội để hy vọng tóc chuyển sang màu vàng.

Và nhắc đến đây, thời nào cũng có “phân biệt giàu nghèo” giữa đám trẻ, và đám “con nhà giàu” là những đứa may mắn được bố mẹ mua băng VHS (dạng băng cuốn) cho xem để thỏa cơn thèm. Cá nhân người viết cũng từng là “con nhà giàu”, xin thề trước quyền năng vô hạn Kamehameha rằng tôi đã tua đi tua lại không biết bao nhiêu lần trận chiến kinh điển giữa Goku và Frieza tại hành tinh Namek.

Về sau bộ phim hoạt hình được remaster, sáng đẹp hơn thấy rõ.

Cứ thế, con nít thời đó cũng dùng Bảy Viên Ngọc Rồng để phân định rõ ràng giữa Vũ trụ Nam tử và Vũ trụ Nữ nhi - Thủy Thủ Mặt Trăng. Nếu như lũ con trai bọn tôi cũng có lúc người ngợm đầy mồ hôi như mới từ Namek trở về, len lén xem các Thủy thủ… biến hình, thì những cô bạn cột nơ đầy nữ tính trong xóm cũng có khi thích thú với các pha chiến đấu kinh người của đội hình Bảy Viên Ngọc Rồng. Nét vẽ của Dragon Ball vừa mạnh mẽ, cứng cáp, nhưng đồng thời cũng rất hóm hỉnh - chả trách sao có rất nhiều thế hệ rất yêu thích bộ truyện này.

Và câu chuyện về tuổi thơ kể trên không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà chính là tuổi thơ của trẻ em trên toàn thế giới.

Bảy Viên Ngọc Rồng đã sải đôi cánh rộng ra toàn thế giới như thế nào?

Sau khi đáp ứng nguyện ước, Rồng thần sẽ hóa thân thành bảy viên ngọc bay tứ tán khắp quả đất… tầm ảnh hưởng của thương hiệu Bảy Viên Ngọc Rồng cũng vậy, có mặt ở khắp mọi nơi.

Cách đây hai năm, tôi có dịp du lịch đến Nhật Bản thưởng ngoạn, nếu nước Mỹ là nơi tập trung của hàng trăm sắc tộc, thì xứ Phù Tang lại là điểm giao thoa của hàng trăm nền văn hóa từ cổ kính cho đến hiện đại. Và hơn thế nữa, đây cũng là nơi khai sinh của Dragon Ball.

Một trong những địa điểm mà tôi đặt chân đến là Akihabara, Tokyo, vốn là “thiên đường” đối với dân đam mê truyện tranh và công nghệ. Nếu bạn từng bị người lớn phàn nàn rằng: “Lớn già đầu còn đọc truyện tranh” thì Akihabara sẽ là điểm đến lý tưởng cho bạn, nơi ai cũng như ai, đam mê truyện tranh như nguồn sống. San sát nối đuôi nhau là những quầy truyện tranh, những shop bán action figure (mô hình nhân vật) với đầy đủ các thương hiệu truyện, và tất nhiên không thể thiếu những nhân vật chính của bộ truyện có cái tên được đặt cho tựa đề bài này rồi.

“Dragon Ball” đã tạo ra những niềm đam mê bất diệt, bất chấp độ tuổi.

Ngạc nhiên hơn, vây lấy những cửa hàng này không chỉ là các bé thiếu nhi (thực ra là khá hiếm thiếu nhi), mà còn có các anh trai tay mang cặp táp, mặc đồ văn phòng; hoặc những ông bác đầu cũng đã hai thứ tóc. Họ say mê nhìn ngắm, bàn tán về những món đồ chơi, đủ to như để chứng minh cho cả thế giới rằng tuổi tác chỉ là một con số, và đam mê thì không có tuổi.

Đến khi đặt chân tới xứ Mỹ, nền văn hóa những tưởng là “thánh địa” dành riêng cho Star Wars, Marvel Comics, DC Comics,… vẫn còn chừa một ngăn lớn dành cho Dragon Ball. Bảy Viên Ngọc Rồng là ấn phẩm truyện tranh/hoạt hình Nhật Bản luôn được săn đón và cập nhật tại xứ Cờ sao. Mỗi khi có một bộ phim hoạt hình mới ra mắt thì ngay lập tức sau đó là hàng loạt chuỗi đồ chơi, quần áo ăn theo cũng được chào hàng tại các kệ tặng phẩm, cùng phiên bản lồng tiếng dành riêng cho thị trường Mỹ (nhập gia tùy tục thôi mà).

Chưa dừng lại ở đó, bạn có biết nhân vật hư cấu sẽ được trở thành đại diện cho Nhật Bản tại Olympic 2020 là ai không? Còn ai khác ngoài Khỉ Con Goku. Vượt qua cả những Godzilla, Hello Kitty, Doraemon, Son Goku trở thành người đại diện cho cả một nền văn hóa sâu sắc và giàu đẹp tại trường quốc tế rộng lớn. Thế mới biết độ “chơi ngông” của người Nhật khủng đến mức nào.

Goku sẽ là gương mặt đại diện cho Olympic 2020!

Dành cho những fan gạo cội của Dragon Ball Dragon Ball Z, bạn có biết chưa, thương hiệu đình đám của chúng ta đã chính thức trở lại, tấn công mặt chiếu bóng sau nhiều năm vắng bóng với phim điện ảnh Dragon Ball Z: Battle of the Gods ra mắt năm 2013 đấy. Sau đó, hãng tiếp tục ra mắt “gà chiến” thứ hai với tên gọi Dragon Ball Z: Resurrection “F” công phá màn ảnh rộng Nhật Bản vào năm 2015, kéo sau là loạt phim hoạt hình mới mang tên Dragon Ball Super đến nay vẫn còn tiếp tục.

Người ta thường nói có những điều một khi đã trở thành huyền thoại, thường sẽ sống mãi với thời gian dù cho có bao biến cố, thăng trầm. Bảy Viên Ngọc Rồng chính là huyền thoại đó đấy. Bộ phim cứ thế “sừng sững” như một tượng đài thế kỷ cho thương hiệu truyện tranh không tuổi. Nếu hỏi biểu tượng nào gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, cất chứa cùng mình là biết bao vui, buồn, hờn, dỗi và quan trọng hơn cả là đi suốt những tháng năm trưởng thành của chúng ta, tôi sẽ không ngần ngại mà gọi to: “Bảy Viên Ngọc Rồng”. Bằng tất cả tình yêu và kỉ niệm, cảm ơn cậu đã luôn bên tớ nhé, Goku!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Phúc

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?