Điện ảnh Việt 2017 có những cái tên đáng để chờ đợi ngay từ khi chỉ mới là dự án đang quay, đặc biệt vào dịp cuối năm, các phim được đánh giá cao đều dành lịch để ra mắt trong thời gian này: Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng, Lôi báo, Khi con là nhà… Mẹ chồng là tác phẩm của Lý Minh Thắng với vai trò đạo diễn, có sự tham gia của Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu, Ngọc Quyên, Diễm My 6x, Song Luân, Lâm Vinh Hải... Mới đây, bộ phim về cuộc chiến giữa những người phụ nữ, câu chuyện “muôn đời” giữa mẹ chồng và nàng dâu đã chính thức trình làng.
Ngay từ những thông tin đầu tiên cùng các teaser, trailer, khán giả đã biết đến bối cảnh và nội dung phim. Mọi sự diễn ra tại Đại Điền, vùng đất giả định nhưng mang đậm màu sắc Tây Nam Bộ vào những năm 50. Khi đó, người dân quanh vùng chịu sự lệ thuộc vào nhà hội đồng Lịnh với hàng nghìn mẫu ruộng cho thuê. Sự giàu có sung túc ấy cũng không che giấu được những biến cố trong ngôi nhà.
Bà Hai Lịnh (Diễm My 6x đảm nhận) là người nắm mọi quyền lực trong gia đình. Chồng chết, một tay bà nuôi nấng, dạy dỗ cậu Hai Nhứt (Song Luân đóng) thành người, dựng vợ gả chồng cho con và luôn mong muốn sớm có cháu. Là người kỹ tính, bà chọn cô Ba Trân (do Thanh Hằng thủ vai) về làm dâu bởi những phẩm chất đức hạnh, sinh ra trong gia đình gia giáo và có nhan sắc thiên phú. Tuy nhiên, mọi sự tưởng như sẽ diễn ra suôn sẻ, êm ấm thì cô Ba Trân sảy thai, mất đi đứa cháu mà bà Hai Lịnh đang mong ngóng. Bao trận đòn roi tức giận giáng xuống đầu nàng dâu mới, cô trở thành cái gai trong mắt bà khi 2 năm sau đó vẫn không thể có con.
“Trong ba tội bất hiếu, không con nối dõi là tội lớn nhất”, bà Hai Lịnh rước Bảy Loan (Ngọc Quyên đóng) về làm vợ hai cho con trai mình, cũng là lúc Ba Trân mang thai và cuộc chiến giành quyền lực chính thức xuất hiện trong ngôi nhà giàu có nhất vùng này. Ba Trân từ cô con dâu hiền lành, cam chịu, nuốt bao cay đắng và nước mắt vào lòng, nay đã thay đổi, mạnh mẽ để bảo vệ đứa con trai của mình.
Năm tháng trôi qua, bi kịch được lặp lại khi bà Ba Trân cưới vợ hai cho cậu Hai Phước (Lâm Vinh Hải đóng) cũng chỉ muốn có con nối dõi, trong khi cậu con trai duy nhất của bà đã có cô vợ Tư Thì (Lan Khuê). Cuộc tranh giành và bảo vệ quyền lực diễn ra, từ hiện rõ ra mặt như Ba Trân và mẹ chồng - bà Hai Lịnh, cho đến ngấm ngầm giữa 2 cô vợ của cậu Hai Phước: Tư Thì và Tuyết Mai (Midu đóng).
Thế nhưng, dẫu có bao màn tranh đấu, giành lấy những vị thế trong nhà, thì tất cả họ đều là những người phụ nữ bất hạnh. Bà Hai Lịnh một đời bảo vệ gia đình, ruộng đất và danh tiếng hội đồng Lịnh, nhưng cuối cùng lại trở thành một kẻ bán thân bất toại, không thể nói chuyện mà chỉ biết đưa mắt nhìn những biến cố lần lượt xảy ra trong nhà. Trong khi đó, cô Ba Trân đức hạnh ngày nào, nay trở thành loài rắn độc bị chính người thân ghét bỏ, dân làng sợ hãi… Nhưng ai hiểu cho người phụ nữ ấy, vì bị đẩy đến cùng cực mới phải trở mình thay đổi để bảo vệ bản thân và con trai mình.
Cô Tư Thì và Tuyết Mai, mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Tư Thì vốn sinh ra trong một gia đình bần nông, được gả vào nhà hội đồng Lịnh là một phước phần cho cả dòng tộc của cô. Chính vì thế, mọi thứ nhất nhất cô đều nghe theo lời bà Ba Trân để mong được yên thân. Còn nỗi bất hạnh nào hơn khi cô phải cưới một anh chồng thiểu năng, suốt ngày mải mê chơi cào cào và luôn miệng gọi vợ là chị. Còn nỗi đau nào hơn khi cô phải chia sẻ tình thương với một người con gái khác.
Còn với Tuyết Mai, cô gái tân thời có ăn học đàng hoàng, mang tư tưởng phương Tây hiện đại, phải về làm vợ lẽ trong một căn nhà đậm màu phong kiến. Những quy định nề nếp trong nhà, với cô là những điều phiền phức. Chưa bao giờ cô có một ngày vui thật sự trong nhà hội đồng Lịnh, nhất là khi xung quanh mình, ai là rắn độc, ai là cừu non, cô đều không biết được. Không khí ngộp thở và căng thẳng giữa các mối quan hệ trong nhà chỉ khiến người con gái hiện đại ấy thêm phần chán nản.
Ngay cả đến người an phận nhất trong ngôi nhà - mợ Bảy Loan cũng không có được hạnh phúc. Chồng chết, con trai trưởng thành nhưng cô không có quyền hạn trong gia đình. Cũng như bao người khác, phận vợ thứ phải nghe lời vợ cả, và cô chỉ biết im lặng cho yên thân. Ánh mắt buồn bã của cô ôm cậu con trai còn đỏ hỏn năm xưa, như báo trước cho những tháng ngày bất hạnh của Bảy Loan.
Lấy bối cảnh vào thời điểm chuyển giao, thế nhưng dù là người mang nặng tư tưởng phong kiến như Ba Trân, bà Hai Lịnh, cô gái tân thời như Tuyết Mai, kẻ thức thời biết chọn điểm tựa như Tư Thì… thì đều vẫn chỉ là những người phụ nữ, có yêu có hận. Chung quy lại, sau bao toan tính đấu đá, họ vẫn là những người đầy bất hạnh trong chính thứ quyền lực mà mình tranh giành. Cũng chính vì thế, Mẹ chồng không khiến khán giả ghét nhân vật hoàn toàn, mà cảm thương, thấu hiểu cho số phận của họ. Âu cũng chỉ là phận đàn bà.
Cuối cùng, họ sẽ giải thoát bản thân mình thế nào trong những nỗi bất hạnh cùng cực ấy? Hãy xem Mẹ chồng từ ngày 01/12 trên toàn quốc.