Ngọn lửa bùng lên phía dưới lòng đất từ một miệng hố khổng lồ có đường kính gần 70 m và sâu tận 20 m. Hiện tượng kỳ lạ này được người dân địa phương gọi là “miệng địa ngục”.
Hiện tại, vẫn chưa có cách giải thích chính xác cho hiện tượng kỳ lạ này. Những ngọn lửa vẫn bốc lên ngùn ngụt tạo thành những quầng sáng lớn. Vào ban đêm, ánh sáng từ hố lửa có thể quan sát thấy rõ, sáng rực cả một vùng trời.
Thế nhưng, đây không phải là một hố lửa tự nhiên, thực chất là do con người tạo ra. Năm 1971, khi tiến hành khoan mặt đất để dò tìm khí gas, các nhà địa chất Liên Xô đã khoan vào một túi khí. Mặt đất sau đó bị đổ sụp tạo thành hố lớn với đường kính 70 m. Nhằm tránh khí rò rỉ gây độc, các nhà địa chất quyết định châm lên ngọn lửa.
Các nhà địa chất hi vọng, ngọn lửa sẽ dừng sau vài tuần. Thế nhưng kể từ đó, ngọn lửa chưa có dấu hiệu ngừng cháy. Khách du lịch và những người hiếu kỳ đổ dồn đến “cổng địa ngục” ở trung tâm sa mạc Karakum, Turkmenistan trong những năm qua.
Các nhà khoa học cảnh báo với các du khách khi tới gần miệng hố, khí methane không độc hại nhưng nó hút hết oxy, khiến cho những du khách đến gần cảm thấy khó thở. Nếu cảm thấy có hiện tượng trên, hãy nhanh chóng rời khỏi khu vực trên. Hiện tại, miệng địa ngục này là một trong những mỏ dự trữ khí lớn nhất thế giới.