Cây rau khúc còn có tên gọi khác là khúc nếp, khúc tẻ, rau khúc vàng..., chúng mọc rải rác khắp thế giới, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới.
Cây rau này phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc từ Hà tĩnh trở ra, nhiều nhất là ở Ninh Bình, Hà Nam...
Rau khúc có hai loại, rau khúc nếp và rau khúc tẻ. Rau khúc nếp lá to, xanh mỡ gần giống như lá rau cải cúc, hoa vàng. Còn cây khúc tẻ lá bé, nhiều phấn trắng, hoa trắng. Rau khúc nếp làm bánh khó hơn vì nó hơi nát và đắng.
Ngoài làm bánh, rau khúc cũng có thể ăn như một món rau thông thường, có thể luộc, xào, nấu canh...
Rau khúc chẳng cần trồng. Hạt năm trước ngủ vùi trong đất, gặp mưa xuân là trổ lên tơi bời, khóm sau chen khóm trước xanh mướt quanh các gốc rạ ở những thửa ruộng đã gặt. Sau Tết, chớm khí xuân, là lúc rau khúc nhiều và ngon nhất.
Trong ký ức của nhiều người, khi mùa rau khúc rộ, trẻ con vùng quê sẽ ra đồng làng hái rau khúc mọc hoang tại các bãi ruộng chân mạ về để mẹ làm bánh. Cứ mỗi độ Giêng Hai, nhìn rổ rau khúc, không ít người lại thấy lòng rưng rưng nhớ về một thời thương khó đã qua...
Trước đây, rau khúc mọc đầy vườn và đồng ruộng. Còn bây giờ nó trở thành thứ rau đặc sản được ưa chuộng ở thành phố. Thậm chí, loại rau này ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy giá cả lên cao bất ngờ. Trên các sàn thương mại điện tử, loại rau này cũng được bán ở dạng trữ đông, đóng gói hút chân không, 100gr lá khúc có giá từ 45.000 - 50.000 đồng, tức 500.000 đồng/kg.
Xem thêm: Tìm về nhà Ngọc Châu - Tân Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022