Ngày 20/11/1947, cả nước Anh hân hoan chúc mừng lễ cưới của Vương nữ Elizabeth và Philip, chàng vương tử mang trong mình dòng máu hoàng tộc Hy Lạp - Đan Mạch. Năm 2017, cặp đôi đã kỷ niệm 70 năm ngày cưới đầy ngọt ngào và hạnh phúc. Dẫu Vua George VI đã ban lệnh chỉ khi vương nữ tròn 21 tuổi vào tháng 4/1947 mới có thể bàn chuyện hôn nhân, nhưng vì quá yêu, cặp đôi đã lén cãi lời vua cha, bí mật hẹn ước sẽ bên nhau trọn đời.
Ngày 22/2/1957, sau khi Vương nữ Elizabeth chính thức lên ngôi nữ hoàng, bà đã phong phu quân làm Hoàng thân Philip và Công tước xứ Edinburgh, được dùng kính xưng His Royal Highness (HRH). Khi kết hôn cùng Nữ hoàng Elizabeth II, Philip đồng thời được nhận ba tước hiệu: Công tước xứ Edinburgh, Bá tước xứ Merioneth và Nam tước xứ Greenwich. Ngoài ra, ông còn được phong làm Prince, tức "Hoàng thân" (hay còn gọi là "Vương phu"), nhưng không thể sở hữu tước vị King (Vua).
Căn cứ theo luật hoàng gia, giới tính cũng là một yếu tố quan trọng khi quyết định chức danh. Ví dụ, khi Kate trở thành hôn phối của William, cô được ban danh hiệu Nữ công tước xứ Cambridge. Trong khi đó, Jack Brooksbank không được phong bất cứ tước vị gì dù đã cưới Công chúa Eugenie. Đó là vì chỉ những người phụ nữ kết hôn cùng thành viên hoàng tộc mới được sắc phong theo tước hiệu của bạn đời, còn đàn ông thì không.
Tuy nhiên, lý do khiến Hoàng thân Philip không được gọi là vua còn sâu xa hơn thế. Danh hiệu Queen có thể dùng để chỉ cả quân chủ trị vì đất nước (Nữ hoàng) lẫn vợ của vua (Vương hậu). Tuy nhiên, tước vị King chỉ được dùng khi nói về một vị vua nắm thực quyền trong tay, không phải là phu quân của nữ hoàng, và hiển nhiên đặc điểm này không phù hợp với Hoàng thân Philip. Đó chính là nguyên nhân ông không được sắc phong là "King" của Vương quốc Anh.