Biến thể Delta được xác định lần đầu ở Ấn Độ và tới nay đã xuất hiện tại 74 quốc gia và tiếp tục lây lan nhanh chóng. Tại Mỹ, theo cựu lãnh đạo cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Scott Gottlieb, các ca nhiễm biến thể Delta đang tăng gấp đôi khoảng 2 tuần một lần và chiếm 10% tổng số ca mắc Covid-19 mới, trong khi ở Anh, tỷ lệ này chiếm hơn 90% số ca mắc mới. Vậy vaccine sẽ có hiệu quả như thế nào trong việc ngăn ngừa sự lây lan rộng rãi của biến thể nguy hiểm này.
Hiệu quả của vaccine có nghĩa là gì?
Hiệu quả của vaccine đề cập đến mức độ hoạt động của vaccine trong thực tế.
Các số liệu được đưa ra liên quan đến các kết quả cụ thể, chẳng hạn như phát bệnh có triệu chứng, nhập viện hoặc tử vong. Nếu vaccine Covid-19 có “hiệu quả 90%” đối với bệnh có triệu chứng, điều đó có nghĩa là những người đã tiêm có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 90% so với những người chưa tiêm. Điều đó cũng có nghĩa, với 100 người mắc Covid-19 có triệu chứng, chỉ có 10 người đã tiêm phòng có thể mắc bệnh.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các số liệu về hiệu quả của vaccine là những ước tính nằm trong một phạm vi các giá trị có thể. Biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ - hiện chiếm hơn 90% các trường hợp mắc Covid-19 mới ở Anh - đã làm dấy lên lo ngại vì biến chủng này dường như cho thấy sự kháng vaccine hơn so với biến thể Alpha từng phát triển mạnh ở Anh.
Hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Delta so với biến thể Alpha như thế nào?
Nói chung, các mũi tiêm phòng Covid-19 có hiệu quả nhất đối với các trường hợp nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như tử vong và ít hiệu quả hơn đối với những kết quả ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm không có triệu chứng.
Điều này được đưa ra dựa trên dữ liệu thu thập từ hai loại vaccine ngừa Covid-19 chính đang được dùng tại Anh để chống cả hai biến thể.
Theo số liệu do Public Health Scotland thu thập và được công bố trên tạp chí Lancet, ít nhất hai tuần sau khi tiêm mũi thứ hai, khả năng bảo vệ chống lại sự nhiễm bệnh đã giảm từ 92% đối với biến thể Alpha xuống 79% đối với biến thể Delta đối với vaccine Pfizer/BioNTech, trong khi đối với vaccine Oxford/AstraZeneca, khả năng bảo vệ giảm từ 73% xuống 60% đối với hai biến thể tương ứng.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Công cộng Anh (PHE), 4 tuần sau khi tiêm một liều, một trong hai loại vaccine đều có khả năng bảo vệ gần như 50% đối với biến thể Alpha. Tuy nhiên, đối với biến thể Delta, khả năng bảo vệ này thấp hơn, với một liều thuốc tiêm Pfizer/BioNTech cung cấp khả năng bảo vệ khoảng 36% đối với bệnh có triệu chứng. Đối với một liều vaccine Oxford/AstraZeneca, con số này là khoảng 30%.
Hai tuần sau liều thứ hai, sự khác biệt về hiệu quả của vaccine đối với các biến đã thu hẹp hơn, với Pfizer/BioNTech cung cấp khả năng bảo vệ 88% chống lại bệnh có triệu chứng đối với biến thể Delta, so với 94% đối với biến thể Alpha. Đối với vaccine Oxford/AstraZeneca, con số lần lượt là 67% và 74%.
PHE trước đây từng lưu ý, có thể có một số lý do khiến vaccine Oxford/AstraZeneca cho thấy số liệu thấp hơn đối với một trong hai biến thể, bao gồm cả việc mất nhiều thời gian hơn để đạt được hiệu quả tối đa.
Vaccine chống lại bệnh hiểm nghèo là một thước đo quan trọng để đánh giá áp lực tiềm tàng mà một làn sóng lây nhiễm mới có thể gây ra đối với hệ thống y tế. Tin tốt là đối với kết quả này, các mũi tiêm dường như cung cấp khả năng bảo vệ tương tự nhau chống lại cả hai biến thể.
Theo phân tích của PHE, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 94% đối với biến thể Delta sau một mũi tiêm và 96% sau hai mũi, trong khi con số đối với vaccine Oxford/AstraZeneca tương ứng là 71% và 92%.
Tương tự như đối với biến thể Alpha, với số liệu cho thấy, vaccine Pfizer phát huy hiệu quả 83% và 95% sau mũi tiêm đầu tiên và thứ hai; còn AstraZeneca là tỷ lệ 76% và 86%.
Theo PHE, vẫn còn nhiều việc phải làm để thiết lập mức độ bảo vệ chống lại tỷ lệ tử vong do biến thể Delta. Tuy nhiên, cũng như các biến thể khác, con số tử vong do biến thể Delta được cho là sẽ ở mức cao.