Sau cuộc đảo chính bất thành của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào đêm thứ 6 vừa qua, không khó hiểu khi cư dân mạng bắt đầu so sánh sự kiện này với vụ hỏa hoạn ở tòa Nghị viện năm 1933 của Đức, để từ đó đặt ra một giả thiết nghe cũng có lý, rằng rất có thể tất cả chỉ là màn kịch đã được sắp đặt trước của ngài đương kim thổng thống Erdogan.
Nguyên nhân khiến ngọn lửa hoài nghi “thuyết âm mưu” bùng lên
Nhắc về sự kiện vụ hỏa hoạn lịch sử vào năm 1933 tại Đức, người ta đánh giá rằng đây có thể là một trong những trò lọc lừa của Hitler để đưa ông chiếm được chiếc ghế Thủ tướng lúc bấy giờ, rồi từ đó làm bàn đạp để lên làm Lãnh tụ và Thủ tướng đế quốc Đức kể từ năm 1934.
Theo các văn kiện lịch sử ghi lại, một ngày sau vụ cháy, Hitler đã yêu cầu Tổng thống Ludwig von Hindenburg phải ký vào nghị định cho đình chỉ các quyền tự do dân sự, đặc biệt áp dụng hình phạt tử hình cho một số tội danh, kể cả tội “làm mất trật tự trị an một cách nghiêm trọng” với người có vũ trang.
Với nghị định đó, Hitler đã có thể bịt miệng tất cả những kẻ chống đối mình một cách hợp pháp và bắt giữ họ một cách tùy ý, xử tử mà không cần đưa ra vành móng ngựa. Cuối cùng Hitler đã thành công trong việc đàn áp được hết các phe đối lập và xây dựng nên nền thống trị độc tài đáng sợ nhất trong lịch sử loài người.
Quay lại giả thiết “thuyến âm mưu” trong sự kiện đảo chính xảy quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ lần này. Nhìn chung sau cuộc đảo chính, ông Erdogan lại có thêm cơ hội để bắt bớ những kẻ chống đối, thanh lọc được một loạt những kẻ tạo phản trong đội ngũ quân sự và nội các Chính phủ. Chưa kể, giữa lúc tỉ lệ ủng hộ đang chênh vênh giữa 50/50, ông ta sẽ có thêm một “cú hích” về uy tín để đẩy con số ủng hộ này lên cao hơn.
Theo trang Independent, các nhà lý luận cho rằng, nhiều khả năng cuộc đảo chính thất bại thực chất chỉ là một màn kịch được biên diễn theo kế hoạch của ông Erdogan.
Lý do dễ thấy nhất là ở buổi trả lời phỏng vấn báo chí tại sân bay Istanbul, ngài đương kim tổng thống cho rằng kẻ giật dây phía sau cuộc bạo loạn khiến hơn 160 người Thổ Nhĩ Kỳ phải bỏ mạng chẳng ai khác chính giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen, cùng với cả những tín đồ theo phong trào Gulen mà ông từng chỉ trích họ là “một tổ chức khủng bố có vũ trang”.
Điều lạ là cũng trong buổi phỏng vấn đó, ông lại ví sự kiện đẫm máu này là “một món quà từ Thánh Allah”, bởi nó đã giúp ông lọc sạch những kẻ chống đối ra khỏi lực lượng quân đội, những kẻ mà ông khẳng định “sẽ phải trả giá đắt cho tội phản quốc của mình”.
Rõ ràng khi nhìn vào thực tế sau khi vụ đảo chính không thành công, với sự ủng hộ của phần lớn người dân và lực lượng quân đội trung thành còn lại, Tổng thống Erdogan chẳng khác nào như đại bàng mọc thêm cánh. Ông ta sẽ có cớ để tiếp tục thẳng tay trừng trị, đàn áp những kẻ đã, đang và sẽ có ý định chống đối lại mình, mà mục tiêu đầu tiên chính là “kẻ có mối thâm thù” - giáo sĩ Fethullah Gulen.
Ngọn lửa hoài nghi về “thuyết âm mưu” như càng bùng lên dữ dội hơn sau khi báo chí, truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt đưa tin đã có khoảng 2.745 thẩm phán, công tố viên bị bắt vì liên quan đến cuộc đảo chính.
Cùng với đó, một số nhà quan sát thậm chí đã bắt đầu vạch ra những điểm đáng chú ý để thấy rằng, cuộc đảo chính xảy ra vào đúng ngày ngài Tổng thống đi nghỉ mát, lại vào thời điểm để ông ta tăng thêm uy lực với toàn thể Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiếp tục giữ được chiếc ghế của mình.
Nhiều người còn cho rằng, thực chất âm mưu của vụ đảo chính đã bị lộ từ trước nhưng ngài Tổng thống vẫn để mặc nhiên cho nó diễn ra, vì ông ta biết đó là một cuộc đảo chính vô tổ chức, và phía ủng hộ Chính phủ vẫn đang thắng thế.
Thậm chí ông Erdogan còn không ngần ngại kêu gọi người dân đổ xuống đường chống lại lực lượng đảo chính, mặc cho các nhà quân sự đánh giá việc này rất có thể dẫn tới một cuộc nội chiến, xuất phát từ những xung đột giữa hai phe ủng hộ Chính phủ và phe đối lập.
Không quyền lực nào cao hơn quyền lực nhân dân
Ryan Heath, phóng viên cao cấp của EU tại Politico đã đăng trên Twitter của mình một dòng nội dung đầy hàm ý, đó là, những gì xảy ra vào đêm thứ 6 là một “cuộc đảo chính giả” và nó sẽ giúp ích cho một “chiến binh dân chủ giả”, có thể hiểu đại ý muốn ám chỉ ông Erdogan.
“Có lẽ chúng ta sẽ thấy một cuộc bầu cử sớm mà ở đó ông ta sẽ cố để đạt được một lượng phiếu bầu không thể tin nổi. Và điều này đảm bảo mang lại cho ông ta thêm khoảng 10 - 15 năm cầm quyền nữa”.
“Chúng ta có thể sẽ thấy một sự thay đổi tồi tệ hơn trong hiến pháp, khi chủ nghĩa thế tục sẽ bị loại bỏ và được thay thế bởi Hồi giáo!”
Trước khi cuộc đảo chính này xảy ra, quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích rất mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền dưới thời ông Erdogan, ví dụ như việc đàn áp đặc biệt truyền thông trong nước, khi báo cáo ghi rằng từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 1.845 nhà báo, nhà văn và nhà phê bình đã phải đối mặt với tội danh xúc phạm tổng thống, đủ để cho họ tha hồ ngồi sau song sắt bóc lịch.
Các giáo phái, như phái Hồi giáo Sunni cũng thường xuyên cáo buộc Tổng thống Erdogan quấy rối và bắt giữ những người theo đạo của ho một cách hết sức bất công.
Chưa kể việc ông Erdogan can dự vào khủng hoảng Syria, chống lại Tổng thống Syria al-Assad và hậu thuẫn cho các nhóm Hồi giáo đối lập ở Syria cũng không nhận được sự đồng thuận của đông đảo dân chúng.
Trang The Guardian đánh giá rằng việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường chống lại đảo chính thành công đêm hôm đó, phải khẳng định rằng không có nghĩa là họ đồng lòng ủng hộ chính phủ, mà chỉ bởi họ chưa quên được những bất ổn về chính trị và kinh tế - hậu quả nặng nề đến từ những cuộc đảo chính quân sự trong lịch sử quốc gia này. Không một ai muốn thảm cảnh đó xảy ra thêm lần nữa cả.
Dường như người Thổ Nhĩ Kỳ xác định được sẽ lại có thêm những cuộc đảo chính từ các phe đảng, giáo phái đối lập nữa nếu như ông Erdogan vẫn tiếp tục giữ những quan điểm cứng rắn cùng những chính sách đối nội đối ngoại vấp phải nhiều sự phản đối như hiện nay.
Tuy nhiên đáng sợ hơn cả, là họ sẽ phải đối mặt với một cuộc đảo chính được thực hiện âm thầm bởi chính ông Erdogan, với mục tiêu nhằm triệt tiêu mọi phe cánh đối lập để độc trị, khiến cho “mọi tàn tích cuối cùng của nền dân chủ cũng biến mất”.
Vì vậy, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng mang tính quyết định, chỉ hy vọng người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ luôn mạnh mẽ, sáng suốt và tự chủ được trong việc quyết định vận mệnh của đất nước, tìm ra người thủ lĩnh xứng đáng nhất bằng sự bình bầu công tâm mà không phải đổ máu, không phải chịu bất kỳ sự chi phối từ thủ đoạn hay âm mưu chính trị nào. Chỉ có như vậy thì mới đúng là “không có quyền lực nào cao hơn quyền lực nhân dân”, như câu tuyên bố của tổng thống Erdogan để khẳng định sức mạnh và quyền tự chủ thực sự của mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ.