Biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới ngay cả tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở mức cao. Tổ chức Y tế Thế giới tin rằng chủng Delta sẽ sớm “thống trị” toàn cầu.
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vaccine có sẵn đều động chống lại các biến thể, bao gồm cả biến thể Delta, tất cả các loại vaccine hai liều cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn đáng kể sau liều tiêm thứ hai.
Các nhà nghiên cứu ở Anh đã nghiên cứu mức độ hiệu quả của vaccine AstraZeneca và Pfizer-BioNTech hai liều chống lại biến thể Delta. Theo đó, vaccine của hai loại này đều có tác dụng bảo vệ đối với những người đã tiêm cả hai liều nhưng ít tác dụng hơn ở những người tiêm một liều.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả 84% đối với biến thể Delta sau hai liều, nhưng chỉ đạt 34% hiệu quả sau liều đầu tiên.
Hãng dược Moderna cũng dẫn nghiên cứu cho thấy vaccine của họ cũng tạo ra khả năng bảo vệ đầy hứa hẹn trong môi trường phòng thí nghiệm chống lại biến thể Delta và những biến thể khác hiện đang lưu hành.
"Khi tìm cách đánh bại đại dịch, điều bắt buộc là chúng tôi phải chủ động khi virus phát triển. Chúng tôi vẫn cam kết nghiên cứu các biến thể mới nổi, tạo dữ liệu và chia sẻ khi có sẵn. Những dữ liệu mới này đang khuyến khích và củng cố niềm tin của chúng tôi", Stéphane Bancel, giám đốc điều hành Moderna, cho biết.
Trong khi đó, vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson hoạt động tốt trước biến thể Delta và phản ứng miễn dịch kéo dài ít nhất 8 tháng với 1 liều tiêm. Kết quả này được đưa ra dựa trên thông tin các xét nghiệm về máu của người tiêm vaccine.
Trước đó, Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cho biết vaccine Johnson & Johnson dường như có hiệu quả chống lại biến thể Delta khoảng 60%.
Các chuyên gia y tế cho biết 3 loại vaccine hiện đang được sử dụng ở Mỹ tiếp tục cho kết quả tốt. Tiến sĩ Katherine Gergen-Barnett của Trung tâm Y tế Boston gần đây cho biết: “Điều này sẽ bảo vệ chúng ta khỏi bị ốm nặng phải nhập viện và thậm chí tử vong do biến thể Delta".
Liệu có cần tiêm liều bổ sung?
Cho đến nay, không có khuyến cáo nào từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ về việc tiêm nhắc lại vaccine trước biến thể Delta.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhiều lần cảnh báo có thể cần phải tiêm phòng tăng cường phòng Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là khi các biến thể mới lan rộng.
Người đứng đầu nhóm cố vấn của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cho rằng mọi người có thể cần phải tiêm nhắc lại trong một năm.
Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla trước đây cũng cho biết mọi người "có khả năng" cần tiêm liều thứ 3 trong vòng 12 tháng kể từ khi tiêm chủng đầy đủ.
Cho đến nay, nghiên cứu cho thấy các loại vaccine hiện đang được sử dụng có thể nhận ra các biến thể mới xuất hiện - nhưng chúng có thể không cung cấp khả năng bảo vệ hoàn toàn chống lại các chủng mới.
Pfizer-BioNTech trước đây đã thử nghiệm mũi tiêm nhắc lại thứ 3 trên những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
"Tính linh hoạt của nền tảng vaccine sử dụng công nghệ mRNA độc quyền cho phép chúng tôi phát triển kỹ thuật vaccine tăng cường trong vòng vài tuần, nếu cần", Sahin cho hay.
Moderna cũng đang thử nghiệm liều thứ 3 của loại vaccine hiện tại và một mũi tiêm tăng cường có thể nhắm mục tiêu cụ thể vào biến thể Nam Phi. Trích dẫn dữ liệu ban đầu, công ty gần đây cho biết vắc xin tăng cường tạo ra phản ứng miễn dịch đầy hứa hẹn chống lại B.1.351 và P.1 các biến thể lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và Brazil.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Johnson & Johnson, Alex Gorsky cho biết hồi tháng 3, công ty có khả năng điều chỉnh vaccine đối phó các biến thể mới xuất hiện".
Xem thêm: Hành trình bảo vệ hàng chục triệu người khỏi Covid-19 của vaccine AstraZeneca