Từ trường phái baroque lộng lẫy của Vua Louis XIV đến kỷ nguyên thời trang cao cấp của “Ông hoàng thời trang” Paul Poiret thế kỷ 20, phong cách Pháp luôn nghiêng về sự xa hoa. Dù phải đối mặt với nhiều thay đổi của thời đại, thời trang Pháp chưa bao giờ mất đi vị thế là một trong những kinh đô thời trang uy tín nhất thế giới.
Thời đại Marie Antoinette
Vào cuối thế kỷ 18, tất cả những người thuộc tầng lớp quý tộc giàu có đều muốn sống theo phong cách Marie Antoinette. Mục đích chính của thời trang thời kỳ đó là thể hiện sự giàu có, xa hoa. Nếu bạn thực sự có địa vị, có tiền, thì hãy thỏa sức tung hoành trên những lớp vải tuyn, lụa là, nhung gấm, cùng với những hình thêu phức tạp và hoa văn trang trí dày đặc. Thời trang của phụ nữ thể hiện địa vị của họ trong giới thượng lưu. Họ sống để hình ảnh hóa câu ngạn ngữ “phụ nữ nên được nhìn thấy và không cần được nghe thấy”.
Sự thèm muốn vô độ của triều đình Pháp đối với trang phục sang trọng đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại dệt may của đất nước. Phong cách xa xỉ dưới thời Louis XIV đã đặt nền móng cho thời trang cao cấp sau này. Phong trào rococo của Louis XVI tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà thiết kế hoàng gia “ăn nên làm ra”. Rose Bretin (người chịu trách nhiệm cho những bộ cánh của hoàng hậu Marie Antoinette) được mệnh danh là nhà thiết kế thời trang đầu tiên. Các nhà may trang phục sang trọng nhận được sự ưu ái hết mực từ hoàng gia và quý tộc Pháp. Chính những nhà may, nhà thiết kế này đã góp công rất lớn trong việc củng cố nền văn hóa thời trang tinh hoa.
Sự lên ngôi của phong cách bình dân
Khi kỷ nguyên “phản thời trang” mở ra sau Cách mạng Pháp, người dân chủ yếu mặc trang phục thuộc tầng lớp lao động, gồm tạp dề, guốc và mobcaps. Chính phủ bị thu hút bởi sức ảnh hưởng của Hy Lạp (nơi khai sinh ra nền dân chủ) nên đã dành sự ưu ái cho những chiếc áo choàng của người Grecian để thể hiện niềm đam mê với xã hội với chủ nghĩa quân bình. Cockade (một dải ruy băng quấn thành hình hoa) trở thành biểu tượng trường tồn của cuộc cách mạng, xuất hiện trên mọi thứ, từ giày đến mũ. Tuy nhiên, chính sự phản đối của xã hội đối với thời trang sang trọng đã thúc đẩy một trường phái thời trang còn xa hoa hơn sau này.
Những bước chân đầu tiên của Haute Couture
Thời trang Pháp thích sự thử nghiệm và bị ám ảnh bởi chủ nghĩa kỳ lạ. Các nhà thiết kế đã tìm thấy nhiều nguồn cảm hứng hơn vào đầu thế kỷ 20. Nhà thiết kế nổi tiếng Paul Poiret đã biến những nét đẹp truyền thống của phương Đông thành những sáng tạo thời trang cao cấp tuyệt vời.
Sự khắc khổ của nước Pháp thời hậu cách mạng qua đi, cùng với phong trào tân nghệ thuật quét khắp châu Âu, thời trang xa hoa lại một lần nữa sống lại. Poiret giúp giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc áo nịt chật chội. Ông mang đến cho họ chiếc kimono phiên phản tối giản, quần harem rộng rãi, váy turban và sultana…Tất cả những sáng tạo này đã biến ông trở thành “Ông hoàng thời trang”. Lấy cảm hứng từ những thiết kế mang tính “giải phóng” của Poiret, vào năm 1912, Coco Chanel tiếp tục nới lỏng hơn nữa những ràng buộc của thời trang hiện đại. Bà cho ra mắt dòng quần thủy thủ đầu tiên và in sọc Breton lên vải may mặc.
New Look huyền thoại của Dior
Ngày 12-2-1947, nhà thiết kế Christian Dior ra mắt bộ sưu tập Haute Couture đầu tiên tại nhà mốt mới thành lập ở số 30 đại lộ Montaigne, Paris. Sự kiện này đã đánh dấu cột mốc đưa tên tuổi nhà couture này vang danh khắp làng thời trang quốc tế.
Trong bộ sưu tập New Look của Dior, các thiết kế có phần eo được chú trọng thắt chặt, phần ngực bo tròn và vai thu hẹp, tạo nên phom dáng đồng hồ cát rõ ràng cho người mặc. Nó trái ngược hoàn toàn với kiểu váy áo suôn thẳng, đổ tự do của Chanel và gợi gây liên tưởng đến chiếc áo choàng à la française của Marie Antoinette.
“Trận chiến Versailles” khiến Pháp phải tạm thời trao ngôi vương
Tuần lễ thời trang Paris chính thức đầu tiên diễn ra vào năm 1973, với sự ra đời của Fédération Française de la Couture, và được khai mạc bởi một buổi trình diễn thời trang làm thay đổi lịch sử thời trang mãi mãi - “The Battle of Versailles”.
Triều đại của các nhà mốt Pháp danh tiếng gồm Hubert de Givenchy, Pierre Cardin, Emanuel Ungaro, Marc Bohan, Yves Saint Laurent có nguy cơ bị lung lay bởi sự xuất hiện của 5 nhà thiết kế Mỹ tài năng. Oscar de la Renta, Bill Blass, Anne Klein, Halston và Stephen Burrows đến lâu đài Versailles (Pháp) cùng với một đoàn tùy tùng gồm Liza Minnelli, các vũ công Broadway và 36 người mẫu (10 trong số họ là người da đen, đánh dấu sự đa dạng chưa từng có về người mẫu biểu diễn). Buổi biểu diễn “The Battle of Versailles” được tổ chức nhằm gây quỹ cho việc trùng tu cung diện. Tiết mục chính của buổi tối là màn trình diễn thời trang của 5 nhà thiết kế người Pháp và 5 nhà thiết kế khách mới người Mỹ kể trên. Nhà báo Aline Mosby nhận xét: “Đây là lần đầu tiên nước Pháp nhận ra rằng hóa ra ở Mỹ cũng có những nhà thiết kế”. Các thiết kế năng động, màu sắc cùng sự đa dạng về người mẫu của các nhà thiết kế Mỹ đã buộc Pháp phải công nhận Mỹ là một đối thủ nặng ký, đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của thời trang thể thao và thời trang thương mại.
Tuần lễ thời trang Paris ngày nay
Kể từ khi “The Battle of Versailles” được tổ chức, các buổi trình diễn thời trang sau này càng trở nên táo bạo hơn. Paris giới thiệu đến công chúng và quan khách những sàn diễn táo bạo và vô cùng công phu - giá trị cốt lõi tạo nên danh tiếng của nó. Những bộ trang phục được thiết kế cho dịp này đã trở thành tiêu chuẩn của nhiều thương hiệu. Nhờ khả năng chỉ đạo nghệ thuật sắc bén của Karl Lagerfeld và Virginie Viard mà các buổi biểu diễn của Chanel luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong làng mốt. Là cái nôi của Haute Couture, những xưởng may (Atelier) bậc thầy và các nhà thiết kế tài năng bậc nhất, không có gì bất ngờ khi Paris được ca tụng là thánh địa của thời trang cao cấp.
Xem thêm: Bất ngờ chưa anh chồng, chị vợ đã chuẩn bị chu đáo thế kia mà.