Ngày nay, trang phục in họa tiết chấm bi rất phổ biến nhưng trong thời Trung cổ, chúng không được yêu thích ở châu Âu vì làm người ta liên tưởng đến bệnh dịch hạch và đậu mùa.
Đến những năm 1800, mọi thứ thay đổi khi cơn sốt khiêu vũ mang tên “polka” tràn qua châu Âu. Nguồn gốc chính xác của cái tên này khá mơ hồ, nhiều người cho rằng nó ám chỉ từ “pulka” trong tiếng Séc, nghĩa là “một nửa”, liên quan đến các bước nhỏ được thực hiện khi khiêu vũ.
Sự xuất hiện của cuộc Cách mạng Công nghiệp và việc dệt cơ giới hóa vào cuối những năm 1700 đã dẫn đến sự ra đời của các súc vải có hình chấm bi đều tăm tắp. Sự xuất hiện của mẫu vải mới cùng với cơn sốt khiêu vũ rầm rộ khắp mọi nơi khiến cho người ta bắt đầu có thiện cảm với những dấu chấm. Các quý cô đam mê thời trang đổ xô đi diện mẫu áo mới. Nếu là một người sành điệu, bạn nhất định phải có váy dài, áo khoác và mũ chấm bi.
Năm 1857, cái tên tiếng Anh "chấm bi" (polka dots) lần đầu tiên xuất hiện trên mặt giấy là khi một chiếc khăn được mô tả là “được làm từ vải muslin, có hình thêu với hàng ngàn chấm bi tròn” được đăng trên tạp chí Godey's Lady's Book. Vải chấm bi có rất nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ như dotted-Swiss Thụy Sĩ, tên tiếng Tây Ban Nha lunares, thuật ngữ tiếng Pháp quinconce, thalertupfen trong tiếng Đức.
Trong khi các điệu nhảy dần rơi vào quên lãng, họa tiết chấm bi vẫn được yêu thích hết năm này đến năm khác. Nó dần trở thành một biểu tượng tượng trưng cho sự lành mạnh trong sạch, không còn mang ý nghĩa bệnh tật như trước nữa. Khi Norma Smallwood trở thành người phụ nữ thổ dân Mỹ đầu tiên đăng quang Hoa hậu Mỹ vào năm 1926, cô đã mặc một bộ áo tắm chấm bi. Năm 1935, Walt Disney cho nhân vật Minnie Mouse mặc đồ chấm bi màu vàng. Đến năm 1941 thì cô chuột nổi tiếng được mặc chấm bi đỏ trắng.
Trong suốt những năm 1950, tất cả các siêu sao từ Marilyn Monroe đến Elizabeth Taylor đều “mê đắm” với trang phục chấm bi. Năm 1954, phiên bản New Look bán chạy nhất của Christian Dior chính là họa tiết chấm bi. Một năm sau, Hubert de Givenchy tung ra mẫu váy dạ hội nền trắng, chấm bi đen.
Đối với Carolina Herrera, chấm bi là chìa khóa quan trọng giúp xây dựng tên tuổi của bà vào những năm 1980 và 1990. Loại nước hoa đầu tiên bà tung ra thị trường vào năm 1988 có vỏ hộp in họa tiết chấm bi. Nhân vật của Julia Roberts cũng mặc một chiếc váy chấm bi trong bộ phim Pretty Woman năm 1990.
Họa tiết chấm bi nổi tiếng trong cả cung điện hoàng gia Anh. Công nương Diana liên tục mặc các thiết kế chấm bi trong suốt cuộc đời của mình. Bà đã mặc váy chấm bi khi mới hạ sinh hoàng tử William vào năm 1982. Sau đó, con dâu của bà, công nương Kate cũng mặc váy chấm bi vào ngày hoàng tử George chào đời, năm 2013.
Các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới cũng rất ưu ái họa tiết chấm bi. Với tần suất sử dụng dày đặc, chấm bi đã trở thành một phần DNA của nhà mốt Dolce & Gabbana. Các thương hiệu như Gucci, Armani, Marc Jacobs, Balmain, Versace cũng dùng chấm bi cho rất nhiều bộ sưu tập của họ.
Xem thêm: Phỏng vấn Đạt Villa: "Ngoi lên" từ đáy xã hội thì đã sao?