Người nhà bệnh nhi cho biết, ngày 21/5, cháu N. xuất hiện các triệu chứng sốt kèm tiêu chảy, ở nhà chưa điều trị.
Đến ngày 28/5, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp độ II, viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm trùng huyết, tiêu chảy cấp không mất nước, chưa loại trừ viêm não màng não, theo dõi u não.
Ngày 29/5, trẻ chuyển nặng với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, viêm mủ màng phổi, rối loạn đông máu nhẹ.
Đến 17h20 ngày 30/5, bé N tử vong và có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Bệnh vi khuẩn "ăn thịt người” (tên khoa học Whitmore) là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.
Những nghiên cứu trong thời gian gần đây ở nước ta cho thấy bệnh phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Tỉ lệ tử vong do bệnh khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.
Bác sĩ Lê Bửu Châu - trưởng khoa nhiễm B, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết vi khuẩn thường xâm nhập từ vùng da bị trầy sướt. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn nhưng không sử dụng bảo hộ lao động phù hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan mãn tính...