Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Trang chủ

Seungri muốn dùng máy phát hiện nói dối để chứng minh vô tội, nhưng liệu cách này có thực sự hoàn hảo?

Trong thực tế, máy phát hiện nói dối không thể đọc suy nghĩ con người và không thực sự hoàn hảo như nhiều người vẫn tưởng.

Vào ngày 20/3, Seungri tiếp tục đối mặt với cáo buộc dùng chất cấm khi đài MBC đưa bản tin nam ca sĩ đã dùng cocaine trong bữa tiệc xa hoa tại đảo Palawan, Philippines hồi tháng 12/2017. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ cựu thành viên Big Bang cũng mang theo gái mại dâm để cung cấp cho các khách tham dự.

Seungri cho biết bản thân sẵn sàng kiểm tra qua máy phát hiện nói dối để chứng minh mình vô tội.

Về phía Seungri, nam ca sĩ khẳng định mình không liên quan tới ma tuý và muốn đối chất với những cáo buộc. Thậm chí, Seungri cho biết bản thân sẵn sàng kiểm tra qua máy phát hiện nói dối nếu cần thiết. Tuy nhiên, thực tế thì máy phát hiện nói dối không hoàn hảo như cái cách mà nhiều người vẫn tưởng.

Máy phát hiện nói dối hoạt động như thế nào?

Máy phát hiện nói dối thực tế không thể đọc suy nghĩ con người. (Ảnh: Global Institute of Forensic Research)

Trong y tế, máy phát hiện nói dối được gọi là đo đa chỉ số (polygraph). Máy phát hiện nói dối không thể đọc suy nghĩ con người, nó chỉ có thể phát hiện sự biến đổi sinh lý học của cơ thể người như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và độ dẫn điện của da khi người đó đang phải trả lời một chuỗi các câu hỏi.

Theo Psychologytoday, trong bài kiểm tra nói dối thông thường, kỹ thuật viên đầu tiên sẽ hỏi những câu hỏi mà họ biết chắc câu trả lời là đúng sự thật như “Anh có đang ngồi trên ghế không?” hoặc “Giới tính của anh là nam phải không?”. Như vậy, họ sẽ thu được số đo sinh lý học của người bị tra hỏi khi trả lời thành thật.

Lấy chỉ số đã thu được làm cơ sở, điều tra viên sẽ tiếp tục với những câu hỏi kết tội như “Anh có biển thủ công quỹ không?” hoặc “Anh có giết người không?” như trong trường hợp của Seungri là “Có sử dụng chất cấm hay không?”. Khi đó, nếu chỉ số của người bị tra hỏi lệch đi nhiều so với chỉ số cơ sở, có khả năng người đó nói dối.

Biến đổi của cơ thể khi bị thẩm vấn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, không nhất thiết vì họ cố tình nói dối. (Ảnh: Press Photo by Ashley Martin Dickinson)

Tuy nhiên, việc nhận định một người có nói dối hay không còn phụ thuộc vào cách diễn giải số liệu thu được của kỹ thuật viên. Mỗi kỹ thuật viên lại có một bộ phương pháp khác nhau và cách diễn giải khác nhau. Chính điều này càng làm tăng thêm tính phức tạp và chủ quan của kỹ thuật này.

Nhiều người phản đối sử dụng thiết bị kiểm tra nói dối với lý do: Biến đổi của cơ thể khi bị thẩm vấn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, không nhất thiết vì họ cố tình nói dối. Một người có thể căng thẳng hơn mức bình thường chỉ vì họ quá lo sợ bị nghi ngờ, hoặc nội dung câu hỏi vốn sẵn có nội dung gây kích động.

Nhiều người đã thành công trong việc đánh bại máy phát hiện nói dối

Douglas Williams đã phải nhận sự trừng phạt thích đáng vì giúp những kẻ tội đồ thoát cảnh tù tội. (Ảnh: JACOB MCCLELAND / KGOU)

Một trong những cách hữu hiệu nhất đó là tăng cường độ thích ứng của cơ thể khi đang trả lời những câu hỏi “thử” ban đầu, chẳng hạn như làm phép tính nhẩm trong đầu, điều chỉnh nhịp thở, cắn mạnh vào lưỡi hoặc nghĩ tới những điều gây kích động cực độ.

Do đó, khi chuyển sang hỏi những câu hỏi nghiêm túc, kỹ thuật viên sẽ khó lòng phát hiện được biến đổi cơ thể của người làm bài kiểm tra vì chỉ số đọc được sẽ tương đối giống nhau giữa hai phần. Ngoài ra, một người rất giỏi kiềm chế cảm xúc và cơ thể của mình vẫn có thể nói dối mà không bị máy báo phát hiện thông qua luyện tập hoặc ngồi thiền.

Những kỹ thuật trên hiệu quả tới mức mà cựu cảnh sát Douglas Williams, kẻ dạy các ứng viên thi tuyển vào cơ quan tình báo FBI cách qua mặt máy phát hiện nói dối, đã phải chịu cảnh tù tội. Kinh khủng hơn, Douglas Williams còn thừa nhận đã giúp 9 kẻ bị kết án xâm hại tình dục dễ dàng vượt qua bài kiểm tra nói dối định kỳ, theo Arstechnica.

Tòa tối cao Mỹ đã đưa ra phán quyết hạn chế việc sử dụng máy phát hiện nói dối trong tố tụng pháp lý kể từ năm 1998. Cụ thể hơn, luật sư bào chữa không còn được phép lấy kết quả thân chủ mình vượt qua bài kiểm tra nói dối làm bằng chứng chứng minh vô tội.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual