Sáng 22/2, nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Minh Vương, NSND Kim Cương, NSND Thanh Tuấn,… đã đến nói lời từ biệt với một trong những vị đạo diễn tài hoa của nghệ thật sân khấu Việt Nam - NSND Huỳnh Nga.
Ông được xem là một trong những cây đại thụ của sân khấu Việt bởi lẽ, suốt những năm hoạt động nghệ thuật của mình, người nghệ sĩ này đã dàn dựng gần 300 vở cải lương, kịch nói. Nhiều vở được liệt vào hàng “kinh điển” như “Đời cô Lựu”, “Tanhia”, “Tìm lại cuộc đời”, “Khách sạn hào hoa”, “Tấm Cám”,…
Trong mắt những người đồng nghiệp, đàn em, NSND Huỳnh Nga chính là một người bạn tài giỏi, một đàn anh đáng kính.
Là một trong những người gắn bó với vị đạo diễn này qua các vở cải lương nổi tiếng, NSND Minh Vương bồi hồi kể lại: “Tôi từng làm việc với anh Nga trong vở Một chuyện tình buồn và Đời cô Lựu, kỷ niệm phải nói là rất nhiều. Ở vở Đời cô Lựu, quá trình duyệt, luyện tập gặp nhiều khó khăn. Tôi và anh có những ý kiến khác nhau, tuy nhiên, anh không bao giờ phản bác mà lại lắng nghe, ghi nhận những đóng góp của tôi nói riêng và anh chị em nghệ sĩ nói riêng. Đến vở Một chuyện tình buồn, tôi thật sự khâm phục tính sáng tạo của anh. Dù từ kịch nói sang cải lương nhưng anh đã làm rất tốt, rất phù hợp với lĩnh vực này. Cả đời anh ấy luôn sống chân thành với anh em, bạn bè, ai cũng kính nể”.
NSND Thanh Tuấn kể về thời trẻ đầy nhiệt huyết của mình và cố đạo diễn: “Cuối năm 1975, khi làm vở Tìm lại cuộc đời, tôi và anh Huỳnh Nga có hợp tác với nhau, có nhiều kỷ niệm đến mức tôi không biết phải nói thế nào. Những năm đó, NSND Huỳnh Nga chỉ hơn 30, chúng tôi còn sức trẻ cho nên làm nghề bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Nhất là vở Tìm lại cuộc đời, chúng tôi ngồi lại chỉnh sửa, góp ý rất nhiều để vở diễn hay nhất có thể. Anh ấy góp nhiều công sức cho cải lương, mà có lẽ đến sau này không ai có thể quên.
Với anh em, anh là người luôn nâng đỡ, sống chân thành. Tôi quý nhất ở anh là tính giản dị, mộc mạc và chân chất. Dù có nổi tiếng, anh vẫn vậy, vẫn bình dân, gần gũi”.
Không làm việc nhiều với NSND Huỳnh Nga nhưng NSND Kim Cương cho biết cả hai là những người bạn bè thân thiết ngoài đời.
“Anh Nga thiên về cải lương nhiều hơn, tôi lại nghiêng về kịch nói. Dù chỉ làm việc với nhau trong một vài vở, nhưng chúng tôi lại là những bạn bè thân thiết. Anh là một trong những đạo diễn hiếm hoi hòa mình với anh chị em nghệ sĩ. Anh rất hiền, phải nói là cực kỳ hiền. Thường đạo diễn họ hay “làm oai”, nhưng anh thì không, anh rất được lòng nghệ sĩ. Hơn nữa, anh sống giản dị, hiền hậu đến đáng kính”, NSND Kim Cương chia sẻ.
Qua chừng ấy những chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, người ta càng thêm trân quý hơn NSND Huỳnh Nga. Không chỉ tài giỏi, ông còn khiến những người từng làm việc cùng yêu mến bởi sự hiền lành, mộc mạc của mình. Khi tài năng, hào quang của sự nổi tiếng tỏa sáng, ông vẫn là ông, vẫn chân thành, hòa đồng như thể mình chẳng là ai.
NSND Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15/1/1932 tại Mộc Hóa, Long An. Sau khi tham gia cách mạng và tập kết ra Bắc, ông được cử đi học đạo diễn ở Romania, sau đó làm lãnh đạo Đoàn kịch nói Hà Nội. Khi trở về miền Nam, ông công tác tại Sở Văn hóa - TT TP HCM
NSND Huỳnh Nga qua đời với sáng 21/2 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Sau lễ viếng tại Nhà tang lễ TP HCM, NSND Huỳnh Nga sẽ được an táng tại quê nhà Mộc Hóa, Long An vào ngày 24/2.