Bao lâu rồi bạn chưa về nhà thăm mẹ?
Bao lâu rồi bạn chưa ôm mẹ một cái như những ngày bé thơ vẫn hay rúc vào lòng mẹ?
Bao lâu rồi bạn chưa cùng mẹ ăn bữa cơm với canh chua, cá kho, dưa cà…?
Sáng nay, khi những bông hoa được cài lên ngực áo, lại thắp lên một lời nhắc nhở khắc cốt ghi tâm, thời gian vốn vô tình, quy luật sinh tử chẳng từ một ai. Vậy nên, yêu thương cha mẹ đừng ngại ngần, đừng đổ lỗi cho bận rộn mà né tránh. Trên ngực cài bông hồng trắng trong ngày lễ Vu Lan là khi mãi mãi không thể gặp lại mẹ, lòng hẫng hụt buồn đau ấy làm sao có thể mờ màu.
“Bao nhiêu tuổi mất mẹ thì không đau?”. Có người nói rằng, nếu lúc chỉ là một đứa trẻ, chưa từng biết tổn thương có nghĩa là gì, sẽ chẳng hiểu mất mẹ phải chịu đựng xót xa nào. Nhưng không, cả cuộc đời phía trước, những năm tháng đến trường - trưởng thành - yêu đương, rồi sẽ chẳng một ai quan tâm vô điều kiện, rồi những lúc trong đời chông chênh gập ghềnh, khoảng trống ấy nào ai đủ sức lấp đầy.
Có người nói, khi ngoài tuổi 30, ta đã lập gia đình và có những đứa con để bồng bế, khi ta bận rộn vun vén cho mái ấm nhỏ của mình, có lẽ nỗi đau sẽ bé hơn. Nhưng không, bởi khi ta trở thành người cha người mẹ, thấu cảm mọi hy sinh công lao dưỡng dục của mẹ, còn đau xót nào khi chẳng thể báo hiếu, đáp ơn.
Có người nói, khi ta đến tuổi 60, trải qua tất cả gian nan giông tố cuộc đời, mất mát nào cũng là chuyện nhỏ. 60 năm cuộc đời, có chông gai nào chưa nếm trải, có đớn đau nào chưa biết mùi, điều gì làm ta đau đớn nữa. Nhưng không, bởi khi 60 năm có mẹ trên đời, hơi ấm, tình yêu, vòng tay, sự kiên trường và bao dung của mẹ, làm sao có thể đối diện được với việc ngày mai không còn nữa.
Tuổi nào mất mẹ cũng đau.
Tuổi nào xa mẹ cũng cay xé lòng…
Bắt nguồn từ những trăn trở, đau đáu ấy, chàng nhạc sĩ khuyết tật Thiên Ngôn cùng bài hát “Đã bao giờ mẹ được ngủ ngon chưa” với sự thể hiện của nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã làm lay động trái tim của biết bao người. Cả cuộc đời của người mẹ, là những ngày lo cho con đến mất ăn mất ngủ. Cả cuộc đời của mẹ, liệu đã có đêm nào ngủ ngon chưa. Câu hỏi ấy, ca từ, giai điệu, cách hát đĩnh đạc, từng trải của giọng ca “Người ta nói” đã hòa quyện sâu sắc và làm nên một nhạc phẩm ý nghĩa, đẹp đẽ, chỉ nghe thôi cũng đủ bật khóc “ngon lành”.
Thiên Ngôn - nhạc sĩ hiếm hoi tự học đàn, học sáng tác ở nhà và kiên cường chống lại số phận đã định. Mang trong mình căn bệnh bại não bẩm sinh thể co cứng, đôi chân - đôi tay co quắp khó điều khiển, khiến mỗi lần muốn làm bất cứ việc gì Thiên Ngôn cũng phải gồng gánh, vặn mình, đổ mồ hôi như mưa, từng chút từng chút một dồn ép tất thảy nỗ lực. Thế giới của chàng nhạc sĩ tài năng ấy chỉ gói gọn trong bốn bức tường, đã có lúc, Thiên Ngôn tuyệt vọng, có lúc khao khát được băng qua ô cửa sổ, được đứng lên trên đôi chân của mình, được chạy đến bên mẹ, được sút một trái bóng vào lưới, được đến trường và được là một người bình thường.
Hành trình vươn lên và cho ra đời những bài hát của riêng mình mà Thiên Ngôn đã dành trọn thời gian - tâm huyết và tình yêu cho nó có lẽ sẽ viết được thành cả một cuốn sách hàng trăm trang, để lan tỏa sự lạc quan, sự an nhiên trong tâm hồn mỗi người. Cho dầu bạn ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa cũng đừng nghĩ đó là đường cùng, bởi ở nơi sa mạc hoang tàn, những cánh hoa hay giọt nước vẫn âm thầm sinh tồn và mạnh mẽ.
Âm nhạc như một tia sáng đẹp đẽ soi chiếu tuổi trẻ và thế giới vốn tù túng, chật hẹp của Thiên Ngôn. Không còn là tình yêu đôi lứa sướt mướt, ủ dột, ca khúc là lời thủ thỉ hỏi han của người con dành cho mẹ mình, vỗ về tất thảy tảo tần bằng sự thấu hiểu và biết ơn lớn nhất. Cuộc đời mỗi người mẹ là những ngày lo lắng, hy sinh cho con cái, và cuộc đời của một người mẹ có con khuyết tật thì càng vất vả hơn. Chính bởi vậy, món quà tinh thần ý nghĩa của Thiên Ngôn đang nhận được rất nhiều sự cổ vũ của khán giả.
Thông qua ca khúc này, Thiên Ngôn muốn gửi lời cảm ơn to lớn nhất tới mẹ, người phụ nữ không được quyền yếu đuối một phút một giây nào, người phụ nữ tuyệt vời đã yêu cậu bằng cả trái tim của mình.
“Người ta hỏi con, “Sống cuộc đời của một người không thể đi lại và nói chuyện bình thường, con có còn điều gì may mắn trong đời không?”… Và con bắt đầu nói cho họ nghe về cha mẹ, những vĩ nhân của trái tim con.
Mẹ. Trong lòng con vẫn luôn hỏi một điều: “Đã bao giờ mẹ được ngủ ngon chưa?”. Khi mỗi ngày của mẹ, vãn luôn là sự tất bật với con, của một đứa con trai đã trưởng thành nhưng chẳng thể đi lại, chẳng nói chuyện như những người bình thường.
Là một người phụ nữ thì được quyền yếu đuối, nhưng là một người mẹ thì không, và là mẹ của con thì càng không thể yếu đuối. Sự tảo tần của mẹ, có lẽ con chỉ có thể dùng tới kiếp sau của mình mà báo đáp. Mẹ khiến cho con hiểu rằng, con không thể làm biến mất những gian truân trước mắt, chỉ có cách là không để mình nản chí. Mẹ cho con hiểu rằng, là một người tốt, sống ý nghĩa quan trọng hơn nhiều việc là một người giàu có”.