Lễ Vu Lan hay còn được gọi là lễ Báo hiếu, nhằm ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ quan trọng trong năm của Phật giáo. Khi tất cả con người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước tôn vinh và bảy tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cha mẹ của mình.
Việc đi chùa, thắp hương vừa là cầu siêu nhưng bên cạnh đó cũng là cầu bình an, gia đình luôn an lành, may mắn. Đi chùa vào ngày này cũng là thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với bậc cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Chính với ý nghĩa cao đẹp đó mà đi chùa trong ngày lễ Vu Lan dần trở thành một nét đẹp văn hóa được lưu giữ và phát triển ở mọi miền đất Việt.
Hãy cùng với SAOstar khám phá những ngôi chùa tâm linh, cổ kính tại Sài Gòn để ghé thăm, cầu bình an mùa Vu Lan này nhé!
1. Chùa Vĩnh Nghiêm
Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa khá linh thiêng ở Sài Gòn và được xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành năm 1971. Chùa có khuôn viên rộng khoảng 6000 mét vuông.
Chùa chính xây dựng kiểu chữ “Công”, mặt hướng Đông Bắc, gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Chùa bao gồm các hạng mục như: tòa nhà trung tâm (tầng trên có ngôi Phật điện), Bảo tháp Quán Thế Âm, cơ sở dành cho hoạt động xã hội. Về sau thì chùa xây thêm Bảo tháp Xá Lợi Cộng đồng, Tháp đá Vĩnh Nghiêm,... Bên trong chánh điện bạn sẽ bắt gặp những bức tượng phật được mạ một màu vàng óng ánh, và các trụ cột được chạm khắc rất tinh xảo.
Chùa được xem là một ngôi danh lam ở thành phố hiện nay. Hằng ngày, chùa đã đón tiếp nhiều Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan và cúng bái. Vào ngày lễ Vu Lan, chùa thường tổ chức các hoạt động tâm linh, hướng dẫn tâm sự và đọc kinh trong không gian thanh bình.
2. Chùa bà Thiên Hậu
Đây là ngôi chùa không còn xa lạ đối với người dân Sài Gòn cũng như người Hoa ở Chợ Lớn. Chùa bà Thiên Hậu được xem là một nơi linh thiêng bậc nhất không thể bỏ lỡ khi đến với Sài Gòn. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 18 với tuổi đời hơn 200 năm tuổi. Đây là một ngôi miếu được xây dựng theo lối kiến trúc của người Hoa dùng để thờ bà Thiên Hậu.
Ngôi chùa được xây với toàn bộ nguyên vật liệu được chuyển từ Trung Quốc như: cây gỗ quý đến bát lưu hương, từ những bức phù điêu đến tượng nhỏ,... phần nào nói lên được tầm quan trọng của chùa bà đối với người Hoa ở Sài Gòn.
Đến chùa Bà Thiên Hậu không chỉ để cầu an mà còn đến để tìm hiểu lịch sử vào kiến trúc và văn hóa của ngôi chùa cổ. Chính vì vậy nên vào các dịp lễ chùa bà tiếp nhận một lượng khá đông đến viếng và là một địa điểm cầu bình an nổi tiếng dịp Vu Lan này.
3. Chùa Pháp Hoa
Chùa Pháp Hoa – Ngôi chùa lớn nhìn ra con kênh Nhiêu Lộc, nổi bật với những chiếc đèn lồng sặc sỡ và bảo tháp nhiều tầng trang trí công phu đã dần trở thành biểu tượng của Sài Gòn.
Trong dịp Lễ Vu Lan báo hiếu, Chùa Pháp Hoa thường tổ chức các hoạt động tâm linh ý nghĩa. Người dân đến đây để tỏ lòng hiếu thảo, tham gia những nghi lễ thiêng liêng và tụng kinh để bày tỏ lòng tôn kính và tri ân đối với cha mẹ và tổ tiên. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đây là ngôi chùa nổi tiếng tại Sài Gòn nên vào các dịp lễ lớn số lượng phật tử ghé thăm khá đông đúc. Tình trạng kẹt xe, thiếu bãi giữ xe và số lượng người quá đông cũng có thể khiến bạn khó có thể tham gia buổi lễ một cách trọn vẹn đấy!
4. Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Sài Gòn đã có hơn 300 năm tuổi. Chùa được xây dựng vào 1744 bởi ông Lý Thuỵ Long và chùa có tên là Sơn Cang hay còn gọi là chùa Cẩm Đệm. Vào năm 1774 thì được đổi tên thành Giác Lâm và mời Thiền sư Viên Quang về trụ trì.
Chùa Giác Lâm được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ “Tam” gồm 3 lớp nhà chính: chính điện, giảng đường và nhà trai. Những trụ cột bên trong chùa được chạm khắc những câu đối rất công phu. Chùa thờ nhiều tượng Phật lớn, có bảo tháp Xá Lợi Phật cao hơn 32m với diện tích hơn 600m2.
Đây là một ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn và linh thiêng. Vì thế, hằng năm vào những dịp lễ chùa thường được đón một số lượng khách đến viếng thăm khá đông bởi lối kiến trúc lâu đời và không thiếu phần linh thiêng.
5. Chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với lịch sử lâu đời và không gian thanh tịnh, phù hợp cho những ai muốn tìm về với cội nguồn, thả hồn vào sự bình yên của Phật pháp. Nằm giữa lòng thiên nhiên, chùa là nơi lý tưởng để tịnh tâm, nguyện cầu cho cha mẹ, ông bà, và những người thân yêu.
Vào ngày lễ Vu Lan, chùa Hoằng Pháp tổ chức các nghi thức thiêng liêng như lễ cài hoa hồng, lễ cầu siêu và thắp nến tri ân. Những hoạt động này không chỉ giúp bạn thấu hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của đạo hiếu mà còn là cơ hội để bạn gửi gắm lòng thành, cầu nguyện cho cha mẹ được bình an, sức khỏe dồi dào.
Đi chùa là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh người Việt. Việc đi chùa ngày lễ Vu Lan lại càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Vậy nên, hy vọng rằng với những gợi ý về các ngôi chùa trên đây, bạn sẽ có những trải nghiệm ý nghĩa nhất trong mùa lễ Vu Lan này.